Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Hướng dẫn quản lý chất thải rắn y tế trong khuôn viên cơ sở y tế

08:23 28/07/2022

Trong những năm gần đây, ô nhiễm môi trường sống có xu hướng gia tăng trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa, gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người. Bên cạnh đó, xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng cải thiện, nhu cầu khám và điều trị bệnh ngày càng cao hơn. Điều này dẫn đến các chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở y tế (CTRYT) bao gồm chất thải từ khám, chữa bệnh, sinh hoạt của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ngày càng gia tăng.

Ngày 26/11/2021 Bộ Y tế ban hành Thông tư số 20/2021/TT-BYT quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế với mục tiêu hướng dẫn cụ thể việc phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.

Chất thải rắn y tế là gì?

Chất thải y tế là chất thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế, bao gồm chất thải y tế nguy hại (bao gồm chất thải lây nhiễm và không lây nhiễm) và chất thải rắn thông thường.

Chất thải nguy hại lây nhiễm

Chất thải lây nhiễm sắc nhọn bao gồm kim tiêm, bơm liền kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền, kim chọc dò, kim châm cứu, lưỡi dao mổ, đinh, cưa dùng trong phẫu thuật, các ống tiêm, mảnh thủy tinh vỡ...

Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn bao gồm bông, băng, gạc, găng tay, các chất thải không sắc nhọn khác thấm, dính, chứa máu của cơ thể, chứa vi sinh vật gây bệnh; vỏ lọ vắc xin thuộc loại vắc xin...

Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao bao gồm mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm thải bỏ từ các phòng xét nghiệm tương đương an toàn sinh học cấp II trở lên; các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly, khu vực điều trị cách ly...

Chất thải giải phẫu bao gồm mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ, xác động vật thí nghiệm.

Chất thải nguy hại không lây nhiễm bao gồm hóa chất thải bỏ có thành phần, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại; dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào; vỏ chai, lọ đựng thuốc, hoá chất; thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân, cadimi (Cd); pin, ắc quy thải bỏ; vật liệu tráng chì sử dụng trong ngăn tia xạ thải bỏ.....

Chất thải rắn thông thường là phát sinh từ hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, các chất thải ngoại cảnh trong cơ sở y tế (trừ chất thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực cách ly, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm)...

Phân loại chất thải rắn y tế

Chất thải rắn y tế nguy hại lây nhiễm

Chất thải lây nhiễm sắc nhọn: bỏ vào trong thùng hoặc hộp kháng thủng và có màu vàng.

Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn: bỏ vào trong thùng có lót túi và có màu vàng.

Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao: bỏ vào trong thùng có lót túi và có màu vàng.

Chất thải giải phẫu: bỏ vào trong 2 lần túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu vàng.

Chất thải rắn nguy hại không lây nhiễm

 Chất thải nguy hại phải được phân loại theo mã chất thải nguy hại để lưu giữ trong các bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa phù hợp. Được sử dụng chung bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa đối với các chất thải nguy hại có cùng tính chất, không có khả năng gây phản ứng, tương tác lẫn nhau và có khả năng xử lý bằng cùng một phương pháp.

 Chất thải rắn nguy hại không lây nhiễm đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu đen.

Chất thải rắn thông thường

Chất thải rắn thông thường không sử dụng để tái chế: đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu xanh. Chất thải sắc nhọn đựng trong dụng cụ kháng thủng.

Chất thải rắn thông thường sử dụng để tái chế: đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu trắng.

Dụng cụ lưu chứa chất  thải tại nơi phát sinh

Thu gom chất thải rắn y tế

Cơ sở y tế quy định luồng đi và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế.

Chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở y tế. Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín miệng, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín.

Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế tối thiểu một lần một ngày. Đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg trong một ngày, chất thải lây nhiễm được thu gom với tần suất tối thiểu một lần một ngày, chất thải lây nhiễm sắc nhọn được thu gom tối thiểu là một lần một tháng.

 Chất thải rắn thông thường sử dụng để tái chế và chất thải rắn thông thường không sử dụng để tái chế được thu gom riêng.

Lưu giữ chất thải rắn y tế

Từng loại chất thải phải được lưu giữ riêng tại khu vực lưu giữ chất thải tạm thời trong khuôn viên cơ sở y tế, trừ trường hợp các loại chất thải này có cùng tính chất, không có khả năng gây phản ứng, tương tác lẫn nhau và có khả năng xử lý bằng cùng một phương pháp.

Kho lưu giữ chất thải y tế

Giảm thiểu chất thải rắn y tế

Cơ sở y tế cần thực hiện các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải y tế sau đây:

 Mua sắm, lắp đặt, sử dụng vật tư, thiết bị, dụng cụ, thuốc, hóa chất và các nguyên, vật liệu phù hợp với nhu cầu sử dụng.

 Đổi mới thiết bị, quy trình trong hoạt động chuyên môn y tế và các biện pháp khác để giảm thiểu phát sinh chất thải y tế.

 Có biện pháp, lộ trình và thực hiện hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lông khó phân huỷ nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa.

 Phân loại chất thải nhựa để tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật./.

Ks. Huê Minh Thắng - Khoa SKMT-YTHĐ-BNN

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang