Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Ngộ độc methanol- Những điều cần biết

01:34 12/08/2022

Methanol là loại cồn công nghiệp được dùng với nhiều mục đích khác nhau như: sơn dung môi sơn, dung dịch tẩy rửa, chất chống đông lạnh… Các sản phẩm có chứa methanol bao gồm chất lỏng rửa kính chắn gió, chất chống đông đường khí, chất tẩy rửa bộ chế hòa khí, chất lỏng máy sao chép, nước hoa, nhiên liệu hâm nóng thức ăn và các loại nhiên liệu khác…

Khi uống rượu pha từ cồn công nghiệp, methanol (các loại rượu không rõ nguồn gốc) hoặc vô tình/ cố ý uống các dung môi, cồn công nghiệp, cồn sát trùng có thể dẫn đến ngộ độc methanol... Những vụ ngộ độc như vậy thường xảy ra do pha methanol vào rượu mạnh, chủ yếu được tìm thấy trên thị trường rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các biểu hiện ngô độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút đến 3 ngày; tùy thuc vào số lượng và tình trạng bệnh nhân có uống cả methanol hay không.

Ngộc độc methanol thường có 2 giai đoạn. Giai đoạn đoạn kín đáo: xuất hiện sau vài giờ đến khoảng 30 giờ thường biểu hiện bằng ức chế thần kinh nhẹ, an thần, vô cảm. Giai đoạn ngộ độc rõ có các biểu hiện thường gặp là

-  Ở mắt: Lúc đầu nhìn bình thường, sau đó 12-14h nhìn mờ, nhìn đôi, cảm giác như có mây che trước mắt, sợ ánh sáng, đau mắt, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị…

- Ở tim mạch: Giãn mạch, tụt huyết áp và suy tim.
- Ở hô hấp: Thở yếu, ngừng thở; thở nhanh, sâu nếu có nhiễm toan chuyển hóa.
- Hệ tiêu hóa: Viêm dạ dày xuất huyết, viêm tụy cấp biểu hiện đau thượng vị, nôn, tiêu chảy. Ngộ độc trung bình hoặc nặng có thể thay đổi chức năng gan.

- Ở thận: Suy thận cấp, biểu hiện đái ít, vô niệu, nước tiểu đỏ hoặc sẫm màu nếu có tiêu cơ vân.

- Ở thần kinh: Nhiều bệnh nhân khi đến bệnh viện còn tỉnh táo nhưng rất đau đầu, chóng mặt sau đó có thể gặp các triệu chứng: quên, bồn chồn, hưng cảm, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu nhân bèo, tụt não; các di chứng thần kinh như rối loạn ý thức, hôn mê, hội chứng Parkinson, thiếu hụt nhận thức, viêm tủy cắt ngang, bệnh lý đa dây thần kinh, teo đĩa thị giác, giả liệt vận nhãn…Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị đau lưng, thân mình, cứng gáy (giống xuất huyết màng não), cứng cơ, da có thể lạnh, vã mồ hôi.

Các biến chứng khi ngộ độc có thể xảy ra như hôn mê, suy hô hấp, tụt huyết áp, tổn thương não, mờ mắt, hạ thân nhiệt, hạ đường máu, viêm dạ dày, rối loạn nước, điện giải, sặc phổi, viêm phổi, tiêu cơ vân, suy thận và nguy cơ tử vong.

Cách tốt nhất để phòng ngộ độc methanol do uống rượu là không uống rượu. Nếu không thể từ chối thì uống hạn chế và chỉ uống rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng;  không uống các loại rượu trôi nổi, rượu giả, rượu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.

Để phòng tránh ngộ độc rượu methanol, Cục an toàn thực phẩm- Bộ Y tế khuyến cáo:

- Không uống rượu pha cồn công nghiệp, rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

- Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

- Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

- Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

- Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia./.

Nguyễn Minh Thời

TTYT  Tinh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang

Hình ảnh