Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Ban Chỉ đạo Liên ngành An toàn thực phẩm tỉnh An Giang: Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2022.

09:12 16/08/2022

Vào ngày 15/8/2022, Ông Phan Vân Điền Phương – Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Liên ngành An toàn thực phẩm tỉnh An Giang đã ký ban hành Công văn số 2596/KH-BCĐLNATTP về việc kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2022.

Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Vân Điền Phương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh phát biểu tại Hội nghị triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022 và tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022.

Cụ thể:

Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh trung thu tăng cao, bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2022 với các nội dung cụ thể như sau:

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, ưu tiên tập trung các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Trung thu. Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

2. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Hoạt động Truyền thông:

- Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho các đối tượng hiểu đúng, thực hiện đúng Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, các thông tư quy định bảo đảm an toàn thực phẩm và các văn bản pháp luật có liên quan. Đặc biệt tập trung tuyên truyền giáo dục đến các nhóm đối tượng ưu tiên, cụ thể như sau:

+ Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.

+ Đối với người tiêu dùng thực phẩm: Hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.

- Tuyến tỉnh: Giao Sở Y tế chủ trì phối hợp Báo An Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các sở, ngành (thành viên trong Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh) đăng tải các nội dung truyền thông về đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.

- Tuyến huyện: Tổ giúp việc tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm huyện, thị, thành phố (gọi tắt là tuyến huyện) chỉ đạo các ban, ngành tại địa phương phối hợp Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Đài Truyền thanh tuyến huyện đăng tải các nội dung truyền thông về đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.

- Tuyến xã: Trạm Y tế tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ đạo y tế phối hợp với Văn hóa thông tin địa phương phát tin, bài tuyên truyền trên loa đài địa phương về đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.

2. Hoạt động thanh tra, kiểm tra:

2.1. Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra:

Các đơn vị chủ trì Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của tỉnh và địa phương mời đại diện Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tham gia kiểm tra.

2.2. Đối tượng và nội dung thanh tra, kiểm tra:

2.2.1. Đối tượng thanh tra, kiểm tra:

Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, tập trung ưu tiên vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thịt, sản phẩm từ thịt, .... Trong đó, Đoàn của tuyến tỉnh sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như chợ đầu mối, siêu thị, ...; ngăn chặn, phòng ngừa cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, hàng nhái, thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và sử dụng nguyên liệu thực phẩm không bảo đảm an toàn. Các đoàn liên ngành tuyến huyện, thị, thành phố và xã, phường, thị trấn thực hiện kiểm tra các cơ sở theo phân cấp quản lý.

2.2.2. Nội dung thanh tra, kiểm tra:

- Căn cứ Kế hoạch số 490/KH-BCĐLNATTP ngày 17/02/2022 về việc triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022, căn cứ kế hoạch hậu kiểm của địa phương, các cơ sở được đề xuất kiểm tra đảm bảo tránh chồng chéo giữa các đoàn thanh, kiểm tra trên địa bàn; nội dung kiểm tra: kiểm tra tập trung vào việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm được quy định tại các văn bản:

- Tập trung thanh tra, kiểm tra bảo đảm chất lượng sản phẩm, việc chấp hành quy định về quảng cáo, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc; điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; thanh tra, kiểm tra việc sử dụng phụ gia, phẩm màu, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến, nguồn gốc nguyên liệu trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

- Lấy mẫu kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng sản phẩm. Việc lấy mẫu, chỉ định chỉ tiêu kiểm nghiệm, kinh phí mua mẫu, kinh phí kiểm nghiệm mẫu do Trưởng đoàn thanh, kiểm tra quyết định căn cứ vào nguy cơ mất an toàn thực phẩm của cơ sở được thanh, kiểm tra và sản phẩm của cơ sở được thanh, kiểm tra.

2.3. Xử lý vi phạm:

Các căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm:

-  Nghị định 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 quy định cụ thể về hành vi, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; ...

- Các Nghị định khác quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

3. Hoạt động về ngộ độc thực phẩm:

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị các phương án, nguồn lực, phương tiện, vật tư y tế để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm bệnh truyền qua thực phẩm.

 

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Văn phòng Sở Y tế An Giang