Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Sự lan tỏa của phong trào vệ sinh yêu nước

01:58 30/06/2021

Lúc sinh thời, công tác vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân được Bác Hồ cho là một trong những công việc quan trọng bậc nhất. Bác đã đưa ra vấn đề vệ sinh phòng bệnh thành phong trào “Vệ sinh yêu nước”. Bác thường xuyên nhắc nhở: “Mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khỏe”.

Trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức ở nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Y tế. Đó là môi trường sống bị tác động bởi khí thải, chất thải ở một số nơi như khu công nghiệp, khu dân cư, làng nghề; tài nguyên nước của hệ thống sông ngòi, kênh rạch, thậm chí cả một vùng biển bị ô nhiễm trầm trọng bởi các hóa chất công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, các chất thải trong nuôi trồng, sản xuất và sinh hoạt. Tất cả các nguyên nhân trên đã tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Trong khi đó, ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, bảo đảm vệ sinh môi trường của một số người, một số bộ phận cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Từ đó đã làm cho nhiều dịch bệnh mới phát sinh, một số dịch cũ tái nổi lây theo đường tiêu hóa, hô hấp có xu hướng bùng phát trở lại. Đồng thời chúng ta đang phải đối mặt với những bệnh hết sức nguy hiểm không phải do truyền nhiễm, mà do môi trường và lối sống gây ra như tim mạch, ung thư, có chiều hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Do vậy, làm tốt công tác an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; tăng cường  ý thức cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh là những việc làm thiết thực trong phòng chống bệnh tật.

Bấy lâu nay, phong trào “vệ sinh yêu nước” thông qua công tác vệ sinh phòng bệnh luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; sự tham mưu, phối hợp và tổ chức thực hiện của ngành Y tế.Trong đó có sự vào cuộc của ban ngành – đoàn thể các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cùng với sự hưởng ứng tích cực của toàn dân. Những hoạt động đó được triển khai sâu rộng bằng nhiều hình thức đã tạo ra sức lan tỏa như phong trào rửa tay xà phòng hay sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; phong trào nâng chất khóm, ấp sức khỏe; phong trào “ba sạch” (Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) do hội Liên hiệp phụ nữ phát động; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và chương tình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đều có các tiêu chí về vệ sinh phòng bệnh. Bên cạnh đó, nhiều chiến lược, chương trình mục tiêu về nước sạch- vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; phòng, chống dịch bệnh được triển khai thực hiện một cách có hiệu quả. Hiện nay, với sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, trong bối cảnh ta chưa có đầy đủ vaccine phòng bệnh thì  tiêu chí áp dụng biện pháp 5K được đưa ra, trong đó có đeo khẩu trang và vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn đang được mọi người đồng lòng, hưởng ứng tích cực. Những phong trào, những chương trình và các tiêu chí vừa nêu, đã tác động tích cực tới việc nâng cao nhận thức trong khống chế dịch bệnh, cải thiện môi trường sống, góp phần vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho cộng đồng.

 

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu như đã trình bày, song hiện nay chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và còn nhiều vấn đề phải quan tâm giải quyết. Vì vậy, việc khơi dậy, thúc đẩy và triển khai  phong trào “Vệ sinh yêu nước” nhằm huy động các cấp, các ngành, toàn thể nhân dân tham gia công tác vệ sinh để nâng cao sức khoẻ cho mỗi cá nhân và cộng đồng là việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Bởi, đây là vấn đề mang tính thời sự nóng hổi; có ý nghĩa  về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngoài ra, nó còn tác động lớn đến giống nòi, tương lai dân tộc và sự phát triển bền vững của đất nước./.

 Nguyễn Minh Thời

                                                                                                   TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang