Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Đánh giá chất lượng hoạt động y tế dự phòng các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố tỉnh An Giang năm 2022

03:30 03/02/2023

Kết quả đạt được điểm trung bình 3,71 (thấp nhất là 3,26 và cao nhất là 4,19) theo mức đánh giá được quy định tại “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động dự phòng của các Trung tâm Y tế tuyến huyện năm 2022”

Thực hiện Kế hoạch số 3573/QĐ-SYT ngày 8/11/2022 của Sở Y tế tỉnh An Giang về việc Triển khai kiểm tra công tác y tế năm 2022.Từ ngày 23/11/2022 đến ngày 14/12/2022, Đoàn kiểm tra đã triển khai đánh giá chất lượng công tác y tế dự phòng đối với Trung tâm Y tế (TTYT) 11 huyện thị xã, thành phố trong tỉnh.

Kết quả đạt được điểm trung bình 3,71 (thấp nhất là 3,26 và cao nhất là 4,19) theo mức đánh giá được quy định tại “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động dự phòng của các Trung tâm Y tế tuyến huyện năm 2022” (ban hành kèm theo Quyết định số 1065/QĐ-SYT ngày 22/09/2022 của Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang).

Năm 2022, sau đại dịch COVID-19 tình hình dịch bệnh lưu hành SXH, TCM cùng lúc gia tăng đột biến. Với sự chủ động, tích cực trong phòng, chống dịch của các đơn vị y tế, cùng với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đã tạo điều kiện và phối hợp tốt với ngành Y tế cùng chung tay thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là công tác phòng chống dịch, bệnh. Hiện tại tình hình dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, dịch bệnh SXH, TCM đã được khống chế, địa phương tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bệnh Bại liệt trẻ em, loại trừ bệnh sốt rét, loại trừ bệnh phong, loại trừ Uốn ván sơ sinh. Công tác Tiêm chủng mở rộng được duy trì, góp phần làm giảm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong cộng đồng.

Trong thời gian tới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động về y tế dự phòng tại các địa phương, các cở sở y tế, bệnh viện, các TTYT cần quan tâm hơn nữa một số vấn đề sau:

- Công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm:

Các Trạm Y tế triển khai thực hiện giám sát sự kiện trong cộng đồng, thu thập và báo cáo đầy đủ các sự kiện phát hiện trong cộng đồng cho TTYT huyện xử lý.

Các cơ sở điều trị công và tư nhân, các khoa khám thu dung và điều trị bệnh truyền nhiễm thực hiện nghiêm túc nhập liệu ca bệnh lên phần mềm thông tư 54 theo đúng thời gian quy định của Bộ Y tế.

TTYT huyện thực hiện ngay từ đầu năm công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm phân lập vi rút, xét nghiệm huyết thanh SXH, cung cấp kịp thời thông tin về sự lưu hành của các chủng vi rút đang lưu hành tại địa phương, sớm có giải pháp đáp ứng chống dịch hiệu quả; Tăng cường giám sát công tác xử lý ổ dịch SXH, TCM tuyến xã, khi phát hiện những ổ dịch xử lý không đạt cần thông báo cho BCĐ xã biết để khắc phục ngay; Tích cực giám sát chủ động các chỉ số côn trùng tại các khu vực nguy cơ bùng phát dịch SXH, tham mưu và đề xuất ngay diện rộng chủ động với Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương, không chần chừ và xử lý qui mô nhỏ làm cho dịch kéo dài. 

- Công tác tiêm chủng mở rộng:

TTYT huyện cần theo dõi sát hơn, chặt chẽ hơn hoạt động rà soát, huy động đối tượng tiêm chủng của tuyến xã bằng cách theo dõi công tác lập kế hoạch 2 vòng tiêm chủng thường xuyên hàng tháng trên phần mềm tiêm chủng Quốc gia (có xây dựng kế hoạch 2 vòng đầy đủ trên phần mềm; mốc sinh của trẻ trong từng kế hoạch tiêm; vòng tiêm tiếp theo có huy động tiêm vét các trẻ chưa được tiêm ở vòng tiêm trước); theo dõi báo cáo tiêm vét và kiểm tra tính xác thực các báo cáo theo mẫu của CV 662/YTDP) của tuyến xã.

- Công tác cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em:

Xây dựng kế hoạch huy động sự hỗ trợ nguồn kinh phí từ chính quyền địa phương, căn cứ theo quyết định 319/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2023 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh An Giang.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát tuyến xã, không giám sát qua loa, hướng dẫn cụ thể để Trạm Y tế thực hiện đúng theo hướng dẫn và có chế tài phù hợp đối với từng địa phương.

Vận động chính quyền địa phương hỗ trợ thêm kinh phí cho cộng tác viên dinh dưỡng.

Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, phối hợp với tuyến tỉnh và các đơn vị có liên quan đến công tác dinh dưỡng, thực hiện các nghiên cứu can thiệp trên nhóm đối tượng ưu tiên

- Công tác sức khỏe môi trường - Y tế trường học - Y tế lao động - Tai nạn thương tích:

Ổn định nhân sự thực hiện các chương trình tại tuyến huyện và tuyến xã..

Tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ và theo dõi tiến độ thực hiện của các Trạm Y tế.

Thực hiện giao ban thường xuyên với nhân viên y tế của các trường và các cơ sở lao động trên địa bàn.

Thực hiện quan trắc môi trường lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và khám bố trí việc làm tại các vị trí lao động từ loại 4-6.

- Công tác phòng chống bệnh lao:

Tăng cường theo dõi, đôn đốc giải ngân kịp tiến độ; Thống nhất quy trình cấp phát thuốc lao qua nguồn bảo hiểm y tế  tại xã; Đảm bảo dự trù cung ứng nguồn thuốc lao qua bảo hiểm y tế  đầy đủ từ nhà thầu.

- Công tác phòng chống HIV/AIDS:

Tăng cường điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho đối tượng nguy cơ cao, phân chỉ tiêu cho Xã/ Phường, nhóm tiếp cận cộng đồng. Phòng Tư vấn xét nghiệm sau khi trả lời kết quả xét nghiệm âm tính cần kết nối khách hàng vào điều trị dự phòng trước phơi nhiễm.

Đẩy mạnh tư vấn xét nghiệm tại xã, phường, đặc biệt là tư vấn xét nghiệm cho nhóm nguy cơ cao

Nâng cao chất lượng vẽ bản đồ điểm nóng cho đối tượng nguy cơ cao

Phân tích, phản hồi số liệu hàng quý và theo dõi tiến độ thực hiện, tăng cường giám sát hỗ trợ tuyến y tế cơ sở.

Các phòng khám tích cực truy vết trường hợp dương tính thường xuyên, liên tục.

- Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản:

Ổn định nhân sự, thường xuyên đào tạo - tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến cơ sở.

TTYT huyện triển khai phân bổ chỉ tiêu về hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các TYT phường, xã, thị trấn.

Áp dụng bảo hiểm y tế cho các xét nghiệm sàng lọc 3 bệnh lây truyền từ mẹ sang con trong thời gian mang thai.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, chú ý vùng đồng bào dân tộc.

Xây dựng và cập nhật quy trình chuyên môn, nhất là các quy trình chăm sóc, theo dõi sản khoa, sơ sinh. Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kiểm thảo tử vong trẻ sơ sinh tại địa phương./.

Ths. Nguyễn Hữu Lộc - Phòng KHNV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang