Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Sở Y tế An Giang: Thực hiện các chỉ tiêu cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS năm 2023

10:26 06/04/2023

Vào ngày 05/4/2023, Ông Trần Quang Hiền – Giám đốc Sở Y tế An Giang đã ký ban hành Công văn số 740/SYT-NVY về việc thực hiện các chỉ tiêu cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS năm 2023.

Cụ thể:

Nhằm thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Sở Y tế đề nghị các đơn vị tổ chức thực hiện các nội dung hoạt động và giải pháp chính cụ thể như sau:

1. Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật:

- Đảm bảo chất lượng phòng xét nghiệm khẳng định HIV dương tính hiện có trên địa bàn. Hướng dẫn các cơ sở khẳng định chủ động xây dựng phương cách xét nghiệm khẳng định HIV tính trong trường hợp các sinh phẩm sẵn có không theo giống với phương cách xét nghiệm HIV được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo.

- Thường xuyên phân tích và dự báo tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh; xác định các nhóm đang có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, ưu tiên các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV cho các nhóm chính làm tăng ca nhiễm mới HIV trên địa bàn. Triển khai hoạt động đáp ứng y tế công cộng với các huyện có những ca xét nghiệm nhiễm mới HIV hoặc có số ca phát hiện mới nhiễm HIV tăng.

- Triển khai ước tính quần thể nguy cơ cao trên địa bàn để có cơ sở ước tính và dự báo nguy cơ lây nhiễm HIV. Triển khai giám sát trọng điểm HIV, giang mai theo đúng kế hoạch và đảm bảo nâng cao chất lượng.

- Tổ chức thực hiện báo cáo ca bệnh và công tác báo cáo số liệu chương trình (có phân tích cụ thể các số liệu được thu thập); tiếp tục mở rộng sử dụng phần mềm báo cáo ca bệnh cho các đơn vị xét nghiệm HIV, đơn vị giám sát dịch HIV/AIDS; thực hiện chế độ báo cáo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo đúng quy định thông qua phần mềm báo cáo trực tuyến. Sử dụng số liệu để xác định các khoảng trống chất lượng dịch vụ, lập kế hoạch và cải thiện công tác phòng, chống HIV/AIDS.

- Tiếp tục kiện toàn và củng cố tổ chức, đảm bảo đủ nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường năng lực và huy động y tế tư nhân, các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng, mạng lưới người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS.

- Thực hiện hiệu quả đề án đảm bảo tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS. Mở rộng điều trị HIV/AIDS do bảo hiểm y tế chi trả. Tiếp tục huy động các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

2. Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố:

- Tăng cường truyền thông cả bề rộng và chiều sâu để phù hợp với từng nhóm đối tượng; truyền thông tạo nhu cầu cho nhóm đối tượng đích tiếp cận và sử dụng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS; lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại cơ sở giáo dục, trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và các thiết chế văn hóa cơ sở... Ưu tiên lồng ghép các nội dung truyền thông cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV tại các khu công nghiệp, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn có nhiều nam thanh niên.

- Đổi mới thông điệp và kênh truyền thông phù hợp với xu hướng truyền thông hiện nay. Phát huy hiệu quả của truyền thông đại chúng, tập trung sử dụng truyền thông công nghệ kỹ thuật số.

- Tập trung triển khai các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao như nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người nghiện chích ma túy, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và bạn tình, bạn tiêm chích của người nhiễm HIV.

- Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) ở cả hệ thống công lập và tư nhân. Rà soát, xác định đối tượng ưu tiên cung cấp dịch vụ PrEP, mở rộng cung cấp thông tin PrEP cho thanh niên trẻ và nhân viên y tế. Thực hiện kết nối, chuyển gửi và tư vấn các trường hợp xét nghiệm HIV âm tính có nguy cơ cao được tiếp cận với dịch vụ PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV.

- Tiếp tục triển khai đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm HIV, bao gồm tư vấn, xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, cộng đồng, xét nghiệm lưu động, tự xét nghiệm HIV, chú trọng các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV. Chú trọng việc xét nghiệm HIV trong nhóm MSM, đặc biệt nhóm MSM trẻ tuổi ở các trường học và các khu công nghiệp đông nam giới. Tăng cường quảng bá các dịch vụ xét nghiệm HIV, triển khai các hoạt động tự xét nghiệm HIV, phân phối sinh phẩm tự xét nghiệm qua trang điện tử tuxetnghiem.vn.

- Đảm bảo việc kết nối chuyển gửi các trường hợp xét nghiệm HIV dương tính đến dịch vụ điều trị ARV; chuyển gửi các trường hợp nguy cơ cao có kết quả xét nghiệm âm tính tới dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV phù hợp. 

3. Đối với các cơ sở có điều trị ARV:

- Tiếp tục thực hiện điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV, thúc đẩy điều trị ARV trong ngày và điều trị ARV nhanh, mở rộng điều trị ARV do Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả; tiếp tục kết nối, mở rộng điều trị HIV/AIDS trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, các cơ sở cai nghiện, chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội đảm bảo duy trì điều trị ARV liên tục; triển khai quy trình phối hợp giữa cơ sở điều trị HIV/AIDS, bao gồm điều trị HIV trẻ em, với cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản, cơ sở sản khoa, trong điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

- Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật xây dựng kế hoạch cung cấp xét nghiệm CD4, xét nghiệm tải lượng HIV và các xét nghiệm cần thiết khác trong điều trị ARV cho tất cả người nhiễm HIV trên địa bàn; xác định cơ sở đủ điều kiện và thực hiện cung cấp các xét nghiệm này do BHYT chi trả.

- Thực hiện các quy trình cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế, quy trình phối hợp giữa cơ sở điều trị HIV/AIDS với cơ sở điều trị các bệnh không lây nhiễm, lao, viêm gan vi rút, bệnh lây truyền qua đường tình dục trong chẩn đoán, điều trị và quản lý điều trị người nhiễm HIV; Triển khai sàng lọc, chuyển tiếp và quản lý các bệnh không lây nhiễm ở người bệnh HIV.

- Tiếp tục mở rộng điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV, đặc biệt cho người bắt đầu điều trị ARV; phối hợp với cơ sở y tế chẩn đoán và điều trị lao áp dụng các kỹ thuật sáng kiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lao ở người nhiễm HIV.

- Thực hiện sàng lọc bệnh viêm gan vi rút C trên người nhiễm HIV, kết nối chuyển gửi người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C đến các cơ sở có điều trị viêm gan C, đặc biệt đến các cơ sở điều trị viêm gan C được BHYT chi trả. Theo dõi, quản lý điều trị người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C.

- Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật định kỳ lập kế hoạch nhu cầu, điều tiết và báo cáo sử dụng thuốc ARV, thuốc điều trị lao tiềm ẩn. Thu thập biên bản giao nhận thuốc giữa các cơ sở điều trị HIV/AIDS trong quá trình điều tiết thuốc, thực hiện thanh quyết toán thuốc ARV theo quy định.

- Cập nhật đầy đủ số liệu về thuốc ARV, điều trị ARV, thuốc PrEP, xét nghiệm tải lượng HIV, điều trị lao tiềm ẩn, viêm gan C trên phần mềm HMED.

Đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị liên hệ  Khoa Phòng, chống HIV/AIDS-Lao-Da liễu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, điện thoại: 02963 955 401, email: ttpchivaidsvalaoag@gmail.com để được hỗ trợ./.

 

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Văn phòng Sở Y tế An Giang