Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Sở Y tế An Giang: Tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm ở người.

02:39 17/10/2023

Ngày 16/10/2023, Ông Phan Vân Điền Phương – Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang đã ký ban hành Công văn số 2630/SYT-NVY gửi đến các đơn vi Y tế trong tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm ở người.

Theo thông tin từ đầu mối IHR Campuchia, từ ngày 22/02/2023 đến nay Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 02 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại tỉnh Svay Rieng, trong đó 01 trường hợp đã tử vong. Đây là ca tử vong thứ 2 do bệnh cúm A(H5N1) trên người tại Campuchia kể từ đầu năm 2023 đến nay. Trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới với các quốc gia đang có dịch.

Tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển. Đồng thời, người dân có xu hướng tăng đàn gia cầm để chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán, do đó hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Vì vậy, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Để chủ động phòng, chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện các nội dung cụ thể như sau:

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố (hệ dự phòng):

Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A(H5N1); Tích cực tổ chức thu thập thông tin, điều tra, giám sát để phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên nghi nhiễm cúm gia cầm, đặc biệt tại các chợ gia cầm sống, tiến hành ngay việc bao vây và xử lý sớm triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát lan rộng ra cộng đồng, quản lý ca bệnh (nếu có). Đẩy mạnh hoạt động hệ thống giám sát dựa vào sự kiện các tuyến.

Phối hợp chặt chẽ và duy trì việc trao đổi thông tin với cơ quan Thú y tỉnh, huyện, xã và chính quyền địa phương về tình hình dịch bệnh trên gia cầm, gia súc bệnh, chết hàng loạt tại địa phương; Có kế hoạch phối hợp điều tra, giám sát dịch cúm trên gia cầm trên người, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch.

Tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người), kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm chẩn đoán xác định và cách ly, xử lý kịp thời. Kết hợp với các đơn vị liên quan phát hiện, xử lý phương tiện vận chuyển gia cầm bệnh, chết theo quy định.

Thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT; Duy trì trao đổi thông tin, báo cáo ca bệnh theo đường dây nóng và theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm”.

Về công tác Truyền thông: Chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tuyên truyền giáo dục cộng đồng kiến thức và các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người, nhất là tại khu vực có gia cầm bệnh, chết và những vùng có nguy cơ cao nhằm cung cấp các thông tin để người dân biết, không lo lắng và hướng dẫn cộng đồng thực hiện tốt hành vi vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Củng cố đội cơ động chống dịch và chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị chống dịch hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và hệ điều trị thuộc Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố:

Tiếp tục duy trì công tác giám sát ca bệnh hàng ngày tại các cơ sở điều trị, khi phát hiện có trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm A (H5N1) và các chủng vi rút khác, tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gởi đến CDC tỉnh hoặc Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện, thị xã, thành phố theo tuyến.

Thực hiện tốt việc báo cáo và thông tin nhanh ca bệnh nghi nhiễm về CDC và TTYT huyện, thị xã, thành phố theo quy định.

Củng cố lại các phòng cách ly, sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân.

Thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị bệnh nhân; tiến hành chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các trường hợp bệnh nhân cúm A(H5N1), đặc biệt chú ý đối với các trường hợp cúm trong nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, lao phổi, tiểu đường, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS,…).

Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị cần thiết để điều trị bệnh có hiệu quả góp phần hạn chế tử vong và hỗ trợ tuyến cơ sở khi cần thiết.

Đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện./.   

 

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Văn phòng Sở Y tế An Giang