Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Sở Y tế An Giang tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại.

04:13 29/11/2023

Vào ngày 28/11/2023, Ông Phan Vân Điền Phương – Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang đã ký ban hành Công văn số 3078/SYT-NVY về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại.

ẢNH TIÊM PHÒNG DẠI CHO CHÓ- Ảnh Sưu tầm Internet

Ở nước ta, bệnh Dại trên người đã và đang là bệnh có số người tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm gây dịch. Năm 2022 cả nước có 70 ca tử vong do Dại xảy ra ở 28 tỉnh/thành phố và 500.714 người bị chó, mèo, động vật cắn phải điều trị dự phòng. Tính đến tháng 10/2023, tổng số ca tử vong của cả nước là 75 ca xảy ra tại 30 tỉnh/thành phố và số người phải điều trị dự phòng bệnh dại cũng đã lên tới gần 500.000 người cao hơn cùng kỳ năm trước.

Thực hiện Công văn số 2295/VSDTTƯ-BTN ngày 15/11/2023 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương về việc tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dại, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế triển khai thực hiện các nội dung cụ thể sau:

Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT):

Tham mưu Sở Y tế thực hiện phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh tăng cường rà soát việc xây dựng, tổ chức, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2022-2023 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2022.

Triển khai đến các Trung tâm Y tế (TTYT) huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiêm phòng và điều trị bệnh dại đầy đủ: Xây dựng kế hoạch cung ứng, sử dụng vắc xin và huyết thanh kháng dại; Rà soát, kiện toàn, mở rộng số lượng điểm tiêm chủng phục vụ công tác điêu trị dự phòng, đảm bảo khả năng dễ tiếp cận, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ cao, mỗi huyện có ít nhất 01 điểm tiêm; Đảm bảo đủ trang thiết bị, vắc xin và huyết thanh kháng Dại đã được cấp phép sử dụng.

Tham mưu Sở Y tế vấn đề chính sách hỗ trợ giá/tiêm phòng miễn phí cho nhân viên thú y, nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Dại, điều trị, chăm sóc trong trường hợp rủi ro nghề nghiệp, người nghèo/cận nghèo tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi khu vực II, III, người có công với cách mạng, một số trường hợp đặc biệt khác.

Tham mưu Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội xây dựng chính sách thanh toán bảo hiểm tai nạn do động vật cắn đảm bảo tất cả những người dân được tiếp cận với dịch vụ tiêm vắc xin phòng Dại.

Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực hệ thống phòng chống bệnh Dại trên người ở các tuyến về: kỹ năng tư vấn, chỉ định và tiêm vắc xin Dại cho cán bộ y tế (CBYT) ở các điểm tiêm vắc xin phòng Dại cho người; kỹ năng điều tra, giám sát, chẩn đoán xác định bệnh Dại, xử lý ổ dịch; kỹ năng truyền thông nguy cơ, cách hạn chế/phòng chống bị động vật cắn, truyền thông cộng đồng trước, trong và sau ổ dịch bệnh Dại.

Chỉ đạo TTYT tuyến huyện, thị xã, thành phố phối hợp liên ngành y tế, thú y trong việc giám sát, lấy mẫu bệnh dại trên động vật dựa vào người bị cắn đi tiêm phòng.

Tham mưu Sở Y tế thực xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh thành lập quỹ dự trữ vắc xin và huyết thanh kháng dại để phòng tình trạng khan hiếm vắc xin, huyết thanh và đáp ứng kịp thời khi có dịch.

Chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn cơ sở y tế huyện, các điểm tiêm vắc xin phòng dại trên địa bàn thực hiện theo các khuyến cáo trên.

Đối với Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố:

Chia sẻ thông tin, phối hợp với cơ quan Thú y và chính quyền địa phương nhằm giám sát và phát hiện sớm các ổ dịch dại hoặc nghi dại trên động vật để có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để hạn chế lây nhiễm bệnh dại sang người theo Quyết định 1622/QĐ-BYT ngày 8/5/2014 của Bộ Y tế về việc hướng đẫn giám sát và phòng chống bệnh Dại trên người.

Chủ động đề nghị cơ quan Thú y cùng cấp, tăng cường việc lấy mẫu bệnh phẩm trên động vật cắn người để xét nghiệm vi rút Dại, nếu kết quả âm tính có thể dừng việc tiêm vắc xin phòng Dại trên người.

Chủ động triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm và nhận thức cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại và các biện pháp phòng chống.

Đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện./.

Nguồn: Công văn số 3078/SYT-NVY ngày 28/11/2023 của Sở Y tế tỉnh An Giang

 

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Văn phòng Sở Y tế An Giang

Hình ảnh