Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Biện pháp phòng bệnh dại và cách xử lý vết thương

07:44 15/03/2024

Bệnh dại lây truyền từ động vật bị mắc dại sang người, chủ yếu qua vết cắn, hoặc vết cào, liếm lên vùng da bị tổn thương. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%, kể cả người và động vật.

Biểu hiểu bệnh dại ở người: sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, co giật, liệt và dẫn đến tử vong.

Biểu hiện bệnh dại ở chó: cắn, sủa dữ dội; bỏ nhà; tấn công người và chó khác. Sau đó, nước dãi chảy lòng thòng, không cắn, không sủa, chỉ gầm gừ trong họng.

Biểu hiện bệnh dại ở mèo: cũng tiến triển như ở chó; hay núp mình vào chỗ vắng hoặc hay kêu, bồn chồn như khi động dục, cắn khi có người chạm vào.

Biện pháp phòng bệnh:

Tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch cho chó, mèo.

Không thả rông, rọ mõm cho chó khi ra đường.

Không trêu chọc chó, mèo.

Khi phát hiện chó, mèo nghi bị dại: Cách ly, theo dõi. Thông báo cho cán bộ thú y, chính quyền địa phương.

Trong khu vực có dịch: diệt chó, mèo lên cơn dại hoặc nghi ngờ mắc dại.

Ngay sau khi bị chó hoặc mèo cắn, cào, liếm lên vùng da bị tổn thương cần thực hiện càng sớm, càng tốt các bước sau:

1. Rửa kỹ các vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, trong 15 phút. Có thể sử dụng: rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương.

2. Sát khuẩn bằng cồn 45° đến 70° hoặc cồn i ốt.

3. Đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm vắc xin phòng dại và sử dụng huyết thanh kháng dại nếu có chỉ định.

Những vấn đề cần lưu ý: Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn. Không đắp thuốc, băng kín vết thương. Không tự ý hoặc nhờ thầy lan chữa bệnh dại.

Bệnh dại tuy nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh được. Biện pháp hiệu quả nhất là tiêm đầy đủ và đúng lịch vắc xin phòng bệnh dại cho cả người và chó, mèo.

Minh Hải

Khoa TT-GDSK, TT.KSBT An Giang

(Theo Quyết định số 1622/QĐ-BYT ngày 08/5/2014 của Bộ Y tế phê duyệt Hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh dại trên người)

 

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang