Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang diễn biến phức tạp, trong đóp một số bệnh như sởi, ho gà… được ghi nhận gia tăng nhiều quốc gia. Tháng 4 năm 2024, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực tên thế giới. Trong nước, đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch sở, ho gà, thủy đậu, cúm A… đã bắt đầu có xu hướng tăng ở một số địa phương. Tháng 4 năm 2024 đã ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A (H5N1), đây là trường hợp mắc thứ 2 kể từ năm 2014; đồng thời ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc cúm A (H9N2).
Thực hiện Công văn số 2197/BYT-DP ngày 26/4/2024 của của Bộ Y tế về việc chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Nhằm chủ động tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, Sở Y tế đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện những nội dung cụ thể sau:
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật:

Ảnh: Nguồn https://www.angiang.dcs.vn
- Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh. Chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm ngay từ của khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để kịp thời cách ly, thu dung, điều trị, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
- Chủ động cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo phòng bệnh cho người dân; xây dựng các tài liệu, sản phẩm, thông điệp truyền thông về phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.
- Giám sát công tác tiêm chủng mở rộng, đảm bảo tuyến y tế cơ sở triển khai đầy đủ các buổi tiêm chủng hàng tháng, tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng thuộc chương trình TCMR chưa được tiêm chủng đầy đủ theo quy định. Đối với bệnh dại, cần đảm bảo đủ vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, bố trí mỗi huyện có ít nhất 01 điểm tiêm.
- Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch bệnh, không để bùng phát hoặc phát sinh các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao.
- Công tác phối hợp hoạt động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm:
+ Phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur, Viện Y tế công cộng chủ động phân tích, nắm bắt tình hình dịch bệnh, đánh giá nguy cơ để tham mưu Sở Y tế đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời.
+ Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về tình hình dịch bệnh, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường truyền thông đến các bà mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng đủ liều, đúng lịch các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng ngừa.
+ Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường truyền thông về phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh khu học tập, khu vui chơi, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể… nhằm đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh ở trẻ nhỏ. Theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y để phối hợp xử lý kịp thời.
+ Thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 và Quyết định số 1524/QĐ-UBND ngày 24/6/2019 của UBND tỉnh An Giang.
- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các lượng lượng phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Đảm các lực lượng y tế tuyến cơ sở thực hiện tốt công tác thu dung, xử lý ổ dịch và tăng cường hoạt động dự phòng các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng.
- Rà soát, củng cố nhân lực, đội cơ động phòng chống dịch và chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện, thiết bị y tế cần thiết chống dịch hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.
- Thực hiện báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm”; Báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế theo Thông tư số 28/2019/TT-BYT; quản lý thông tin tiêm chủng.
Bệnh viện công lập và tư nhân, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố:

Điều trị bệnh tay-chân-miệng tại Bệnh viện Sản-Nhi An Giang. Ảnh: Nguồn https://www.angiang.dcs.vn
- Tiếp tục tổ chức tốt và chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân; Thực hiện việc phân luồng, cấp cứu, cách ly, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị hiệu quả các ca mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế thấp nhất tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị. Tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật.
- Khẩn trương rà soát và chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị cần thiết nhằm thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị bệnh theo quy định của Bộ Y tế; củng cố đội cấp cứu lưu động để sẵn sàng cấp cứu, điều trị khi cần thiết.
- Thực hiện tốt việc báo cáo và thông tin nhanh ca bệnh nghi nhiễm về Trung tâm KSBT và TTYT huyện, thị xã, thành phố theo quy định.
Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố:

Vệ sinh môi trường, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.Ảnh: Nguồn https://www.angiang.dcs.vn
- Chủ động tham mưu UBND địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp ngành y tế triển khai thực hiện hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và bố trí kinh phí tổ chức thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt.
- Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm, có số ca mắc và tử vong cao như bệnh dại, SXH, TCM, sởi, ho gà, bạch hầu…
- Phối hợp với Đài phát thanh địa phương, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền về lợi ích của tiêm vắc xin phòng chống bệnh truyền nhiễm; tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
- Củng cố đội chống dịch cơ động và chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện, thiết bị y tế cần thiết chống dịch để sẵn sàng điều tra, xử lý ổ dịch (nếu có).
- Chia sẻ thông tin, phối hợp với cơ quan Thú y và chính quyền địa phương nhằm giám sát và phát hiện sớm các ổ dịch trên động vật để có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để hạn chế lây nhiễm bệnh từ động vật sang người.
- Đảm bảo thực hiện thông tin, báo cáo về tuyến trên đúng theo quy định; đẩy mạnh hoạt động giám sát dựa vào sự kiện (EBS).
Đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện./.
Nguồn: Công văn số 1171/SYT-NVY ngày 07/5/2024 của Sở Y tế An Giang
|