Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Sở Y tế An Giang tăng cường phòng, kiểm soát lây nhiễm sởi, ho gà trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

09:01 20/07/2024

Ngày 19/7/2024, Ông Trần Quang Hiền – Giám đốc Sở Y tế An Giang đã ký ban hành công văn số 2016/SYT-NVY về việc tăng cường phòng, kiểm soát lây nhiễm sởi, ho gà trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Hiện nay, tình hình bệnh sởi, ho gà tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước có diễn biến phức tạp. Thực hiện Công văn số 3925/BYT-KCB ngày 11/7/2024 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, kiểm soát lây nhiễm sởi, ho gà trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; để đảm bảo an toàn, giảm thiểu tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch sởi, ho gà trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Sở Y tế đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:

Tiếp tục triển khai thực hiện theo Quyết định số 4845/QĐ-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sởi, rubella; Quyết định số 1327/QĐ-BYT ngày 18/4/2014 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sởi, đồng thời triển khai các hoạt động phòng, chống sởi, ho gà theo Kế hoạch số 03/KH-SYT ngày 05/01/2024 của Sở Y tế về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh An Giang và Kế hoạch số 1176/KS-KSBT ngày 14/6/2024 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật về phòng, chống và đáp ứng bệnh sởi tại An Giang năm 2024.

Một số nhiệm vụ trọng tâm:

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật:

Thường xuyên theo dõi và nhận định tình hình dịch bệnh sởi và ho gà trong nước, có giải pháp tham mưu Sở Y tế ngăn chặn kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra trong tỉnh.

Phối hợp với các bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc mới, tiến hành thu thập mẫu xét nghiệm từ các đơn vị gửi về, điều tra, xác định nguồn lây, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khi có ổ dịch sởi, ho gà xảy ra trên địa bàn tỉnh, không để dịch bùng phát và lan rộng.

Ảnh: Sưu tầm Internet

Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình TCMR đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi, nhất là trong thời gian bị gián đoạn cung ứng vắc xin phòng bệnh. Thực hiện tốt kế hoạch tiêm chủng sởi, ho gà năm 2024 và triển khai tốt công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Phối hợp chặt chẽ với Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh gửi mẫu xét nghiệm phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp, kịp thời.

Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung vào khu vực có ghi nhận trường hợp mắc bệnh, các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng để chủ động ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh sởi, ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở đẩy mạnh truyền thông về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh sởi, ho gà, các bệnh dự phòng bằng vắc xin để người dân chủ động thực hiện phòng bệnh; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vắc xin phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.

Tăng cường theo dõi, giám sát các đơn vị y tế báo cáo đầy đủ thông tin các trường hợp mắc, các ổ dịch trên Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm trực tuyến tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT; các cơ sở tiêm chủng công lập và tư nhân trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về quản lý hoạt động tiêm chủng, cập nhật đầy đủ đối tượng trên nền tảng quản lý thông tin tiêm chủng.

Thực hiện rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, vắc xin chống dịch, trang thiết bị, nhân lực… phục vụ cho các hoạt động tiêm chủng thường xuyên tại các tuyến.

Đối với các Bệnh viện và Trung tâm Y tế (hệ điều trị):

Tăng cường phòng, kiểm soát lây nhiễm sởi, ho gà trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh - https://suckhoeviet.org.vn/.

Thực hiện tốt công tác thu dung và điều trị kịp thời người mắc bệnh sởi, ho gà, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng tử vong, kịp thời lấy mẫu sinh phẩm và kết hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật gửi xét nghiệm để đánh giá nguy cơ; thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, thực hiện quy trình phân luồng, sàng lọc, cách ly điều trị các trường hợp nghi nhiễm sởi, ho gà, không để lây nhiễm chéo và xảy ra các ổ dịch sởi, ho gà tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà, các bệnh dự phòng bằng vắc xin tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hoặc Trung tâm Y tế huyện (hệ dự phòng) khi phát hiện trường hợp nhiễm/nghi nhiễm để triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.

Đảm bảo đầy đủ nhân lực, thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phòng hộ phục vụ điều trị và chăm sóc trực tiếp cho các trường hợp nhiễm/ nghi nhiễm sởi, ho gà tại đơn vị.

Thực hiện nghiêm túc công tác báo cáo, cập nhật trường hợp bệnh đầy đủ trên phần mềm Thông tư 54/2015/TT-BYT khi phát hiện người mắc bệnh sởi, ho gà tại các khoa, phòng; rà soát đối chiếu với phần mềm thu dung bệnh (lưu ý tại phòng khám ngoại trú), không để sót đối tượng.

Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố (hệ dự phòng):

Phối hợp với hệ điều trị tăng cường kiểm tra, giám sát khu khám và điều trị bệnh, nhất là khám và điều trị ngoại trú để kịp thời phát hiện và xử lý dịch kịp thời, triệt để không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn.

Tiếp tục tăng cường rà soát các đối tượng thuộc diện tiêm chủng trên địa bàn quản lý; tổ chức tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi để đạt chỉ tiêu kế hoạch năm. Tổ chức tiêm bù, vét cho các trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Phối hợp với truyền thông địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi, ho gà và các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện.

Hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh như bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.

Khẩn trương rà soát dự trù vắc xin tiêm chủng thường xuyên, đảm bảo hậu cần, kinh phí, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực… phục vụ cho các hoạt động tiêm chủng thường xuyên và phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.

Thực hiện nghiêm túc công tác báo cáo kịp thời, đầy đủ các trường hợp bệnh, ổ dịch qua Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT.

Tham mưu Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân địa phương chỉ đạo các ban, ngành liên quan tăng cường hoạt động hệ thống hoạt động giám sát dựa vào sự kiện (EBS) từ huyện đến cơ sở nhằm phát hiện sớm ca bệnh đặc biệt các ca bệnh ngoài cộng đồng.

Tổ chức kiểm tra, giám sát các tuyến cơ sở về quản lý, báo cáo ca bệnh truyền nhiễm trên phần mềm Thông tư 54/TT-BYT.

Đề nghị các đơn vị khẩn trương và nghiêm túc triển khai thực hiện./.

Nguồn: Công văn số 2016/SYT-NVY ngày 19/7/2024 của Sở Y tế An Giang

 

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Văn phòng Sở Y tế An Giang