Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Sở Y tế An Giang tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2024

09:16 20/07/2024

Ngày 19/72024, Ông Phan Vân Điền Phương – Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang đã ký ban hành Công văn số 2019/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2024

Căn cứ Công điện số 840/CĐ-BYT ngày 09/7/2024 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2024.

Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, hiện nay một số dịch bệnh luu hành trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi đang có xu hướng gia tăng, đồng thời cũng ghi nhận rải rác các trường họp mắc một số bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc xin. Trên phạm vi cả nước, hiện đang trong giai đoạn thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều; đồng thời cũng đang trong dịp cao điểm du lịch hè 2024 với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè tăng cao, nhất là với sởi, tay chân miệng, một số bệnh dự phòng bằng vắc xin và sốt xuất huyết (đã bắt đầu vào giai đoạn cao điểm).

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè không để dịch bùng phát và lan rộng, hạn chế tối đa dịch chồng dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh trong năm 2024, hạn chế số trường hợp mắc, tử vong, Sở Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện các nội dung cụ thể như sau:

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật:

Thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh truyền nhiễm trong toàn tỉnh tham mưu Sở Y tế tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát các địa phương nhằm giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố:

Ảnh minh họa.

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường họp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; Phối họp chặt chẽ với Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh;

Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả;

Tăng cường phối hợp giữa ngành y tế, ngành Nông nghiệp để triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dại và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Phối hợp với Bệnh viện tuyến tỉnh tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở.

Tham mưu với Sở Y tế phối hợp với các đơn vị như: ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công thương, Công an, Quân đội và các đơn vị liên quan (khi cần thiết) trong việc giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch động vật, đặc biệt là cúm ở gia cầm.

Củng cố đội chống dịch lưu động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới trong công tác lấy mẫu xét nghiệm, xác minh, điều tra, đánh giá, xử lý ổ dịch.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục – Đào tạo, các cơ quan truyền thông, báo chí và các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ngoài cộng đồng và trường học, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo phòng bệnh cho người dân.

Chuẩn bị kinh phí để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Bệnh viện đa khoa công lập và tư nhân, Bệnh viện Sản nhi:

Đảm bảo tổ chức tốt thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác tại các cơ sở khám, chữa bệnh; cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về các biện pháp phòng lây nhiễm cho bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân.

Giao Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện Sản nhi củng cố đội cấp cứu ngoại viện sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới về công tác điều trị.

Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm:

Thường xuyên theo dõi, giám sát các tuyến về kiểm tra các cơ sở cung cấp, sản xuất, chế biến nước uống, nước sinh hoạt, cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể, kịp thời phát hiện sai sót và xử lý, tránh các dịch bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.

Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố:

Sở Y tế tỉnh An Giang ban hành văn bản số 2019/SYT-NVY ngày 19/7/2024 gửi các đơn vị y tế trên địa bàn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2024. Ảnh minh họa.

Tham mưu UBND địa phương chỉ đạo các ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai các giải pháp phòng chống dịch, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh tay chân miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do vi rút Rota, SXH, viêm não,…và các dịch bệnh mùa hè khác trên địa bàn.

Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vắc xin phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.

Đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khoẻ, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền phòng, chống dịch mùa hè tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí với các nội dung: vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi sinh hoạt, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín; thực hiện rửa tay bằng xà phòng, thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch; tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, chiến dịch diệt lăng quăng với thông điệp “mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/ bọ gậy” tại hộ gia đình và khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều kịp thời.

Rà soát, đảm bảo sẵn sàng công tác hậu cần, thuốc, thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.

Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh, tác nhân gây bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực và chăm sóc người mắc bệnh.

Phối hợp với ngành Giáo dục tại địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục công lập và tư nhân, nhất là các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ; bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện (nhà vệ sinh, vòi nước rửa tay, xà phòng,…) tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và cho học sinh rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, làm sạch mặt bàn, ghế; làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Thực hiện tốt truyền thông học đường về phòng, chống dịch nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc/nghi ngờ mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời; tuyên truyền cho giáo viên vận động phụ huynh về tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ.

Chỉ đạo tuyến cơ sở tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để dịch bùng phát trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá và hỗ trợ tuyết cơ sở trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

Đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện./.

Nguồn: Công văn số 2019/SYT-NVY ngày 19/7/2024 của Sở Y tế An Giang

 

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Văn phòng Sở Y tế An Giang