Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Sở Y tế An Giang: Tăng cường phòng, chống bệnh do vi rút Adeno.

09:42 30/09/2022

Adenovirus là một trong những nguyên nhân gây viêm đường hô hấp ở người nhất là đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt chúng gây ra viêm phổi cho trẻ em với tỷ lệ tử vong từ 8-10%. Ngoài gây nhiễm trùng đường hô hấp thì Adenovirus còn có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác như viêm kết mạc, viêm dạ dày ruột...

Nhóm adenovirus thường gây bệnh bằng cách tiếp xúc với các chất tiết từ người bị nhiễm bệnh hoặc do tiếp xúc với một đồ vật bị nhiễm bẩn (Ảnh-suckhoedoisong.vn)

Cụ thể:

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2022 đã phát hiện 412 trường hợp mắc bệnh do vi rút Adeno, trong đó 76% (324 trường hợp) có chỉ định nhập viện, số mắc có xu hướng tăng từ tháng 8 năm 2022 đến nay, trong đó đã ghi nhận 06 trường hợp tử vong. Để chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, Sở Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện các nội dung cụ thể như sau:

1. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật:

- Thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh Adeno trong toàn tỉnh, đánh giá nguy cơ, nhận định, dự báo tình hình dịch tham mưu Sở Y tế.

- Phối hợp với các BVĐK, chuyên khoa, TTYT huyện, thị xã, thành phố thường xuyên rà soát, điều tra dịch tễ học các trường hợp mắc, tử vong (nếu có) do vi rút Adeno tại Bệnh viện, kịp thời báo cáo và đề xuất các giải pháp phòng chống.

- Chuẩn bị kinh phí để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

2. Đối với các Bệnh viện đa khoa công lập và tư nhân – Bệnh viện Sản nhi:

- Đảm bảo tốt công tác thu dung, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo; hướng dẫn người chăm sóc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về nguy cơ nhiễm bệnh và tuân thủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh; không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện đúng các quy định về quản lý chất thải.

- Đảm bảo đầy đủ nhân lực, cơ số thuốc, vật tư, hóa chất..., để sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ tuyến cơ sở kịp thời xử lý dịch nếu có xảy ra.

- Tăng cường công tác giám sát, phát hiện ca bệnh hằng ngày tại đơn vị. Khi phát hiện có trường hợp nghi ngờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kịp thời thông tin đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hoặc TTYT trên địa bàn để phối hợp điều tra dịch tễ và xử lý ổ dịch.

3. Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố:

- Đối với hệ điều trị: các TTYT huyện, thị, thành phố thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh như các Bệnh viện tuyến tỉnh.

- Đối với hệ dự phòng: Tăng cường giám sát, phát hiện sớm tại cộng đồng các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch do vi rút Adeno, triển khai xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh, không để dịch bùng phát và lan rộng; thực hiện theo dõi diễn biến bệnh/dịch hàng ngày theo quy định.

- Rà soát, chuẩn bị đầy đủ các vật tư, hóa chất, thuốc, nhân lực hỗ trợ cho tuyến cơ sở đáp ứng kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân địa phương phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường các hoạt động tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh do vi rút Adeno trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông nguy cơ, trong đó tập trung vào các nội dung khuyến cáo phòng chống lây nhiễm (thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch;  che miệng, che mũi khi ho, hắc hơi; không dùng chung các vật dụng cá nhận với người bệnh, nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh,…).

Đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện./.

 

 

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Văn phòng Sở Y tế An Giang