Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin tức Sự kiện

An Giang: Kinh nghiệm chuyển đổi số trong Ngành Y tế gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới liên quan đến lĩnh vực y tế

04:04 04/10/2022

Tính đến nay toàn tỉnh An Giang đã có 154/156 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020 (chiếm 98,7 %). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm Y tế toàn dân (tính đến tháng 9/2022) đạt 86,67 %.

TS. BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang và Giám đốc VNPT An Giang Trần Thái Tuyên ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chuyển đổi số ngành y tế

         Ứng dụng công nghệ thông tin là xu thế của thời đại phát triển nền công nghiệp 4.0, ngành y tế cũng không thể đứng ngoài xu thế ấy. Nhiều năm qua, Ngành y tế tỉnh An Giang đã triển khai nhiều giải pháp để ứng dụng công nghệ thông tin ngành y tế nói chung, đặc biệt công tác này càng được đẩy mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bước đầu đã mang lại một số hiệu quả tích cực góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành y tế.

Xây dựng nông thôn mới là trọng tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn được Đảng, nhà nước và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Xác định được mục tiêu, chiến lược quan trọng của chương trình, những năm qua Ngành Y tế tỉnh An Giang đã tích cực chỉ đạo thực hiện Tiêu chí 15 về Y tế thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn liền với việc thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế xã của Bộ Y tế giai đoạn 2011- 2020. Việc thực hiện Tiêu chí 15 về Y tế đã từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Kết quả đạt được:

Tính đến nay toàn tỉnh đã có 154/156 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020 (chiếm 98,7 %). Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi đạt trung bình 20,7% và các xã đạt nông nông mới đều có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi đạt ≤ 20,5% đều đạt so kế hoạch đề ra. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm Y tế toàn dân (tính đến tháng 9/2022) đạt 86,67 %. An Giang trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong thực hiện bộ tiêu chí quốc gia y tế xã và xây dựng nông thôn mới như sau:

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh: 100% các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn hoạt động khám, chữa bệnh đều có ứng dụng phần mềm, kết nối, liên thông và trích chuyển dữ liệu điện tử thực hiện giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT bằng hình thức trực tuyến.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng mở rộng: 100% các Trạm Y tế sử dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia từ năm 2017, thông qua hệ thống thì lịch sử tiêm chủng người dân được theo dõi suốt đời. Đặc biệt dù đối tượng tiêm chủng thay đổi chỗ ở vẫn được theo dõi trên hệ thống. Bên cạnh đó là các tiện ích cho người dân như chủ động khai báo thông tin, đăng ký tiêm chủng, lịch hẹn tiêm, nhận tin nhắn nhắc người dân đi tiêm chủng, tra cứu lịch sử tiêm chủng của đối tượng tiêm chủng.

Sở Y tế giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh quản lý hệ thống và dựa trên báo cáo từ hệ thống phần mềm tham mưu cho Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo triển khai công tác tiêm chủng trên địa bàn quản lý nhằm đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95% ở quy mô xã/phường/thị trấn và sử dụng hiệu quả nguồn vắc xin.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm: 100% các đơn vị y tế cơ sở đều ứng dụng phần mềm trong quản lý, báo cáo về phòng chống dịch bệnh theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

- Triển khai thực hiện Hệ thống thông tin quản lý Trạm Y tế xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12/8/2020 của Bộ Y tế, VNPT An Giang đã phối hợp với các Trung tâm Y tế huyện, thị, TP tổ chức tập huấn triển khai hệ thống quản lý các phân hệ cho các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Hệ thống kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu chuyên ngành với hệ thống cơ sở dữ liệu tuyến huyện, tuyến tỉnh, Sở Y tế và  Bảo hiểm xã hội và thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở của Bộ Y tế (V20), cụ thể như: Dữ liệu thống kê y tế; nhân lực y tế; khám chữa bệnh; thuốc thiết yếu và vật tư y tế; tiêm chủng; bệnh không lây; bệnh truyền nhiễm; quản lý phòng, chống tai nạn thương tích; y tế dự phòng như: Lao, Tâm Thần, HIV và các dữ liệu chuyên ngành y tế khác,….Đồng thời sẵn sàng triển khai đồng bộ thông tin người dân với cơ sở dữ liệu về dân cư theo yêu cầu.

- Triển khai thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSK): Sở Y tế tỉnh An Giang đã tổ chức tập huấn triển khai thí điểm phần mềm Hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử (EHR) do Cục CNTT Bộ Y tế hỗ trợ miễn phí trên địa bàn tỉnh An Giang theo Kế hoạch số 2739/KH-SYT ngày 02/11/2020 cho các cán bộ Kế hoạch-Nghiệp vụ và cán bộ CNTT tại các bệnh viện tuyến tỉnh (kể cả bệnh viện ngoài công lập), Trung tâm Y tế tuyến huyện, phòng khám đa khoa tư nhân có chức năng thanh toán Bảo hiểm xã hội (BHYT), Bệnh xá Quân Y, Bệnh xá Công an tỉnh. Từ đó, chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm y tế huyện, thị, thành phố, Trạm Y tế  đẩy dữ liệu theo cấu trúc XML 4210 của BHYT vào hệ thống EHR đến nay.

Cơ bản các đơn vị y tế cơ sở tiếp cận được HSSK, biết cách thu thập dữ liệu gửi vào hệ thống tập lưu trữ HSSK tập trung (EHR), có được dữ liệu khởi tạo của người dân về HSSK theo Quyết Định 4210, Quyết định 831.

          Thuận lợi:

- Thực hiện triển khai đầu tư các Chương trình, dự án ứng dụng CNTT tại Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc trong thời gian qua bước đầu đã mang lại hiệu quả  trong việc phát triển hệ thống y tế thông minh theo Quyết định 4888/QĐ-BYT ngày 18/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025; từng bước thực hiện chương trình Chuyển đổi số của ngành y tế theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia.

- Sở Y tế đang triển khai thực hiện các Chương trình y tế điện tử của Bộ Y tế: Xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thống kê y tế điện tử để từng bước hình thành Trung tâm dữ liệu quốc gia về y tế; triển khai thực hiện Hồ sơ sức khỏe điện tử, Bệnh án điện tử và phần mềm quản lý Trạm y tế xã theo tiêu chuẩn.

          Hạn chế và nguyên nhân:

- Các hệ thống phần mềm quản lý các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến xã do nhiều nhà cung cấp phát triển khác nhau, chưa có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu để giúp các đơn vị tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí, tuân thủ đúng quy định của Nghị định 47/2020/NĐ-CP.

- Cơ sở Y tế tuyến xã đảm nhận nhiều công việc cùng lúc, nhân sự không đảm bảo được công việc nhập dữ liệu trên nhiều phần mềm 100%.

- Điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền ở các Trạm Y tế vùng sâu, xa chưa đảm bảo. Chi phí đầu tư ban đầu cao, một số thiết bị sử dụng đã xuống cấp, lạc hậu.

Định hướng phát triển trong thời gian tới:

Khó khăn vẫn còn nhiều, để thực hiện Tiêu chí 15 Y tế, góp phần xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới ngành sẽ khắc phục những tồn tại đồng thời tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như:

- Tiếp tục bám sát và thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo nông thôn mới tỉnh, UBND tỉnh, Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

- Chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là đợn vị y tế tuyến huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng y tế xã để có giải pháp hỗ trợ tăng cường năng lực cho y tế cơ sở;

- Xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến cơ sở.

- Triển khai hoàn thiện Hồ sơ sức khỏe điện tử và phần mềm quản lý Trạm y tế xã theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tổ chức truyền thông người dân sử dụng cài đặt Sổ sức khỏe điện tử từ hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử đang triển khai để thay thế sổ khám bệnh giấy truyền thống.

- Triển khai thực hiện Bệnh án điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh hạng 1 trước 2023 và các cơ sở khám bệnh hạng 2 trở xuống trước 2028.

- Căn cứ các văn bản quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện xây dựng hướng dẫn cụ thể các quy định để tạo điều kiện cho khám chữa bệnh từ xa và đơn thuốc điện tử cho người dân, nhằm bảo đảm người dân có thể tiếp xúc bác sĩ nhanh, hiệu quả, giảm chi phí và thời gian vận chuyển bệnh nhân.

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang