Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin hoạt động

Công tác Y tế tỉnh An Giang năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024

02:52 31/01/2024

Trong 3 chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh và Kế hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh giao, đạt 2 trên 3 chỉ tiêu, gồm số giường bệnh trên 10.000 dân (không tính trạm y tế) ước đạt 27,5 giường và Số bác sỹ trên 10.000 dân đạt 9,6 bác sỹ.

Riêng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế năm 2023 là 92,13%, thấp hơn kế hoạch đề ra là 92,75%. Đạt 8 trên 9 chỉ tiêu cơ bản khác của ngành Y tế so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, vượt 02 chỉ tiêu về tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 01 tuổi và dưới 05 tuổi, trên 1.000 trẻ đẻ sống. Riêng tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt 52,5%, thấp hơn so với theo kế hoạch đề ra là từ 95% trở lên, nguyên nhân là do thiếu vắc xin từ Trung ương phân bổ.

Năm 2023, toàn tỉnh có 4.626 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 71,8% so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 3,7% so với cùng kỳ trung bình 5 năm 2016 – 2020. Đã phát hiện và xử lý 1.339 ổ dịch. Tình hình dịch bệnh tay chân miệng trong năm 2023 diễn biến phức tạp, số trường hợp mắc và có biến chứng nặng tăng cao so với năm 2022. Toàn tỉnh có 8.261 ca mắc tay chân miệng, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2022, so với cùng kỳ trung bình 5 năm 2016 – 2020, số ca mắc tăng 210%. Có 7 trường hợp tử vong, tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2022. Duy trì tốt công tác quản lý, khám sàng lọc, tầm soát các yếu tố nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính cho người dân trên địa bàn tỉnh như tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ, COPD, quản lý sức khỏe người cao tuổi.

Trong năm 2023, từ nguồn ngân sách địa phương, ngành Y tế tiếp tục duy trì triển khai thực hiện 08 dự án thuộc các Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Hầu hết đạt tiến độ so với kế hoạch đề ra. Các chỉ tiêu thuộc hai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cơ bản đều đạt so với kế hoạch đề ra. Thực hiện đánh giá 40 trên 156 Trạm Y tế theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030; trong đó có 37 xã đạt, chiếm tỷ lệ 92,5%.

Duy trì và đảm bảo tốt các hoạt động khám chữa bệnh, các bệnh viện duy trì tốt công tác chỉ đạo tuyến, bệnh viện vệ tinh, khám chữa bệnh từ xa, tổ chức phục vụ tốt cấp cứu. So với cùng kỳ năm 2022, số lần khám bệnh tăng 26,1%. Số bệnh nhân điều trị nội trú tăng 3,4%. 03 bệnh viện tuyến tỉnh, gồm Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang, Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh và Bệnh viện Tim Mạch đạt công nhận Bạch Kim về điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ Thế giới. Ngày 19/5/2023, Bệnh viện đa khoa Y Dược Cổ truyền Phục hồi chức năng đã hoàn thành và đang đưa vào hoạt động.

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2023 – 2025. Phối hợp với các trường trong đào tạo cán bộ y tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.

Phối hợp với VNPT triển khai Trung tâm điều hành thông minh và cơ sở dữ liệu chuyên ngành Y tế tỉnh An Giang. Đẩy mạnh thực hiện Bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe, thanh toán không dùng tiền mặt và các tiện ích khác từ công nghệ tại các cơ sở khám chữa bệnh.

An Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức đấu thầu tập trung thuốc qua mạng thành công với quy mô trên một ngàn tám trăm sáu mươi tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu cung ứng thuốc đầy đủ cho người dân. Tiếp tục thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Dự án Đầu tư nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 03 trung tâm y tế tuyến huyện: Tri Tôn, Châu Phú và Tịnh Biên với tổng mức đầu tư gần 34 tỷ đồng. Dự án Đầu tư xây mới, cải tạo và nâng cấp 42 trạm y tế tuyến xã, tỉnh An Giang với tổng mức đầu tư gần 139 tỷ đồng. Nâng cấp, cải tạo Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới với tổng mức đầu tư là 44 tỷ 960 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Năm 2023, tổng các nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp, thu phí, lệ phí; thu dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ và thu khác trên 2.570 tỷ đồng. Chi cho đầu tư mua sắm trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất gần 22 tỷ đồng.

Thực hiện 31 cuộc thanh kiểm tra về các nội dung khám chữa bệnh, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đã xử lý vi phạm 41 cá nhân và 09 tổ chức. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 1 tỷ 70 triệu đồng. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp nhận 24 đơn. Số đơn, số vụ việc thuộc thẩm quyền: 03 đơn (đã giải quyết theo quy định); không thuộc thẩm quyền: 21 đơn, đã hướng dẫn chuyển đến cơ quan thẩm quyền giải quyết.

Hợp tác với các tỉnh giáp biên giới của Vương quốc Campuchia về kiểm dịch y tế biên giới, phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch và triển khai dự án USAID hỗ trợ chấn dứt bệnh lao tại an giang do tổ chức FHI-360 viện trợ không hoàn lại. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh về việc xin ý kiến Bộ Y tế về đề xuất dự án Đầu tư nâng cấp trang thiết bị 06 Trung tâm Y tế tuyến huyện của tỉnh An Giang sử dụng vốn tín dụng đầu tư công của Chính phủ Phần Lan.

(Ts.Bs Trần Quang Hiền – Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang phát biểu tại Hội nghị Tổng kết ngành Y tế năm 2023)

Phương hướng, nhiệm vụ năm 2024:

Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Các mục tiêu, định hướng và giải pháp đề ra phải đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, phù hợp với khả năng thực hiện của ngành và điều kiện thực tế tại địa phương. Kiện toàn và ổn định mô hình tổ chức hệ thống y tế từ tỉnh đến xã; tăng cường đầu tư phát triển y tế công lập đi đôi với việc khuyến khích và tạo điều kiện phát triển y tế ngoài công lập; phát triển y học hiện đại gắn với y học cổ truyền. Hoàn thiện, củng cố hoạt động các Trung tâm Y tế huyện đa chức năng để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ về khám chữa bệnh, dự phòng, dân số và phát triển. Nâng cao năng lực hoạt động tuyến y tế cơ sở là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, tạo niềm tin cho người dân vào y tế cơ sở. Thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, linh hoạt trong triển khai giải pháp, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, thích ứng kịp thời việc thay đổi mô hình bệnh tật, chú trọng phát triển tầm vóc, thể trạng, tinh thần. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia lĩnh vực y tế. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Duy trì và phát triển các bệnh viện tuyến tỉnh làm bệnh viện vệ tinh cho các bệnh viện tuyến Trung ương, tiếp tục thực hiện tốt hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chuyên môn từ tuyến tỉnh cho tuyến y tế cơ sở, giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, nâng cao năng lực thực hiện danh mục kỹ thuật của từng tuyến có chọn lọc ưu tiên phát triển theo từng giai đoạn phù hợp, từng bước tiến tới đảm bảo chất lượng dịch vụ đồng đều giữa các tuyến. Phát triển mạng lưới bệnh viện chuyên khoa và các khoa ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản nhi, lão khoa, phục hồi chức năng. Bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền – phục hồi chức năng tỉnh An Giang quy mô 100 giường đưa vào hoạt động, tập trung phát triển chuyên môn, phục vụ nhu cầu khám và điều trị bệnh kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền, phục hồi chức năng cho người dân trên địa bàn tỉnh và các khu vực lân cận. Tiếp tục triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân. Tăng cường công tác cải cách hành chính tại khoa khám bệnh, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; bệnh án điện tử, bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy, không sử dụng tiền mặt. Hoàn thiện, Trung tâm điều hành thông minh IOC và cơ sở dữ liệu chuyên ngành Y tế tỉnh An Giang. Mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ, bảo đảm phù hợp với trình độ chuyên môn, chất lượng dịch vụ ở từng tuyến và khả năng chi trả của nhân dân. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc, sử dụng thuốc an toàn hợp lý, hiệu quả.

Đề xuất chủ trương, tranh thủ nguồn vốn đầu tư xây mới hoặc mở rộng Bệnh viện Tim mạch An Giang giai đoạn 2, xây mới Bệnh viện Mắt – Tai mũi họng – Răng Hàm Mặt 150 giường, khu nội trú 2 Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang; đầu tư xây mới Trung tâm Y tế huyện Phú Tân 200 giường, mở rộng Trung tâm Y tế huyện Châu Phú 100 giường từ nguồn ngân sách địa phương. Triển khai thực hiện dự án đầu tư nâng cấp trang thiết bị 06 Trung tâm Y tế tuyến huyện của tỉnh An Giang sử dụng vốn tín dụng đầu tư công của Chính phủ Phần Lan. Củng cố hệ thống quản lý trang thiết bị y tế cho Bệnh viện đa khoa khu vực Tân Châu từ nguồn Tổ chức Chăm sóc sức khỏe Quốc tế Hàn quốc. Tranh thủ các nguồn vốn ngân sách nhà nước, ODA, vốn huy động khác đầu tư trang thiết bị, phát triển chuyên môn kỹ thuật cho các đơn vị theo quy hoạch phát triển của ngành, phù hợp theo từng tuyến.

Minh Hải

Khoa TT-GDSK, TT.KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang