Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Phòng chống bệnh Lao sau tác động của đại dịch COVID-19

04:03 10/04/2023

Kết quả phát hiện năm 2022 tăng cao đáng kể so với năm 2021 cho thấy Chương trình chống lao của tỉnh An Giang đã thực sự hoàn toàn hồi phục sau dịch COVID-19

An Giang là tỉnh thuộc Đồng bằng sông cửu Long, nằm giữa sông Tiền sông Hậu và chạy dọc theo hữu ngạn sông Hậu thuộc hệ thống sông Mê Kông và cũng là một trong 2 Tỉnh ĐBSCL có đồi núi, hầu hết đều tập trung ở phía tây bắc của tỉnh thuộc 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn.

An Giang là tỉnh có gánh nặng bệnh lao rất nặng nề, đặc biệt là tình hình bệnh lao đa kháng thuốc của tỉnh với số ca mắc đứng hàng thứ ba trong cả nước. Hàng năm, cả tỉnh phát hiện và đưa vào điều trị hơn 4.000 người mắc lao nhạy cảm và hàng trăm người mắc lao kháng đa thuốc. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt khoảng 60% so với số ước tính, có nghĩa là có tới khoảng 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện trong cộng đồng. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 85% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và trên 90% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.   

Đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình giảm gánh nặng bệnh Lao trên cả nước trong đó có An Giang. Mặc dù số trường hợp mắc COVID-19 phát hiện tại An Giang không cao như một số các tỉnh thuộc khu vực phía Nam, nhưng công tác phát hiện, quản lý điều trị bệnh Lao cũng đã có những ảnh hưởng không nhỏ.

Do đó đối với công tác phát hiện, năm 2021 ước tính tỷ lệ phát hiện ca lao và đăng ký điều trị giảm 35-40% so với cùng kỳ trước khi xảy ra đại dịch.

Đối với công tác quản lý điều trị, ngay khi đại dịch bắt đầu, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật An Giang (CDC An Giang) lập tức ban hành ngay văn bản hướng dẫn cấp phát thuốc lao trong bối cảnh COVID. Theo đó thời gian cấp phát thuốc cho BN kéo dài hơn so với trước đây: BN lao nhạy cảm sẽ nhận thuốc từ 1 đến 2 tuần /1 lần tùy theo từng thể trạng của bệnh, còn BN lao kháng thuốc sẽ được cấp thuốc 1 tuần /1 lần (nếu BN ở giai đoạn củng cố).

Để hạn chế đến mức thấp nhất bệnh nhân lao mắc COVID, một số địa phương thực hiện việc cấp phát thuốc cho bệnh hàng tuần hoặc cán bộ trạm y tế phải đến tận nhà để cấp thuốc hàng tuần. Còn với những bệnh nhân lao đa kháng thuốc có sử dụng thuốc tiêm sẽ được cấp phiếu hẹn đến trạm y tế trước 8h30 sáng để tiêm thuốc mỗi ngày

Bên cạnh đó, để kịp thời động viên người bệnh lao đa kháng thuốc tuân thủ điều trị, cán bộ quản lý Chương trình chống lao (CTCL) tuyến tỉnh xây dựng kế hoạch theo dõi hỗ trợ tư vấn cho người bệnh qua điện thoại mỗi ngày theo thứ tự ưu tiên từ BN mới bắt đầu ở giai đoạn tấn công đến bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn điều trị củng cố để kịp thời xử trí tác dụng phụ của thuốc (nếu có). Nhờ vậy mà từ quý 4/2020 đến nay không có bệnh nhân bỏ trị.

Năm 2022 với quyết tâm cùng với cả nước tiến tới loại trừ bệnh lao vào năm 2030. Chương trình chống lao tỉnh An Giang phối hợp với Chương trình chống lao Quốc gia, dự án USAID-FHI 360, Dự án Quỹ toàn cầu xây dựng kế hoạch triển khai tầm soát bệnh lao bằng nhiều hình thức: Tầm soát bệnh lao bằng 2X tại các cơ sở y tế, Chiến dịch 2X (X-quang và Xpert) tại cộng đồng tại các huyện: Thoại Sơn, Phú Tân và thị xã Tân Châu. Đồng thời thực hiện tầm soát lao bằng 1X (Xpert) trên địa bàn cả tỉnh cho các đối tượng không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ Y tế và những bệnh nhân chống chỉ định chụp X quang.

Qua đó đã phát hiện số ca mắc lao các thể tăng 150,4% so với cùng kỳ năm 2021 (5.245/3.491). Trong đó số bệnh nhân lao kháng đa thuốc tăng 137,3% so với cùng kỳ (217/158)

Kết quả phát hiện năm 2022 tăng cao đáng kể so với năm 2021 cho thấy CTCL của tỉnh An Giang đã thực sự hoàn toàn hồi phục sau dịch COVID-19

Đồng thời với sự kích hoạt toàn bộ hệ thống chính trị với những giải pháp phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả cũng chính là cơ hội để An Giang “Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để chấm dứt bệnh Lao trong thời gian sắp tới.

Chủ đề của Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam “Việt Nam chiến thắng COVID – Chấm dứt bệnh Lao”.         

Từ chủ đề trên cho thấy trong cuộc chiến chống COVID-19, mọi người hãy tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống Lao. Trong muôn vàn khó khăn và thách thức nhưng nếu các cấp chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và cộng đồng cùng chung tay thì chắc chắn chúng ta sẽ đẩy lùi được bệnh lao và tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh Lao sau đại dịch COVID-19.

Bởi vì

Ngày xưa tầm soát bệnh lao

Thì ta phải thử cả ba mẫu đàm

Ngày nay tiến bộ hơn nhiều

Chỉ cần 2 X là tìm được lao

Nên giờ ta phải cùng nhau

Quyết tâm thực hiện truy tìm như sau

Tìm người triệu chứng nghi lao

Với người tiếp xúc bệnh lao trong nhà

Và người ở nhóm nguy cơ

Thì ta luôn nhớ, HIV hay tiểu đường…

Mong sao tìm hết bệnh lao

Điều trị dứt điểm nguồn lây cộng đồng

Quyết lòng loại bỏ bệnh lao

Không còn “Lao” nữa, nhà nhà yên vui ./.

Bs. Nguyễn Phương Nam - Khoa Lao, HIV/AIDS, Da liễu, TT.KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang