Tuy nhiên, tình trạng sốt rét vẫn là vấn đề nóng, có tác động tàn phá đến sức khỏe và nghề nghiệp của mọi người. Chính vì thế, ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25/4 được kỳ họp thứ 60 Đại Hội Đồng Y tế Thế giới tháng 5/2007 lựa chọn, là ngày để ghi nhận nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát bệnh sốt rét một cách hiệu quả.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính có khoảng 241 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét mới và 627.000 trường hợp tử vong do sốt rét ở 85 quốc gia vào năm 2020. Tại Việt Nam, năm 2022 ghi nhận 455 bệnh nhân sốt rét, 01 bệnh nhân tử vong và đã có 42 tỉnh, thành phố được công nhận loại trừ bệnh sốt rét. Nhưng hiện nay, bệnh sốt rét vẫn còn diễn biến phức tạp với hơn 6,8 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành tập trung chủ yếu ở tỉnh Lai Châu, Bình Phước và một số tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên. Chính vì thế, “Dồn tổng lực về đích để loại trừ sốt rét tại Việt Nam” là chủ đề hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25 tháng 4 nhằm truyền thông rộng rãi tới người dân về phòng, chống và loại trừ sốt rét, thu hút sự quan tâm ủng hộ của các cấp lãnh đạo, đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ đầu tư cho hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét. Để giảm số ca mắc, việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất thông qua nhiều phương pháp khác nhau như diệt muỗi bằng hóa chất, làm rèm để ngăn muỗi bay vào nhà đốt người. Đồng thời, phát động chiến dịch truyền thông phòng chống sốt rét, tăng cường vận động nhân dân tích cực làm tốt vệ sinh môi trường, triển khai các biện pháp bảo vệ cho cá nhân và cộng đồng. Bên cạnh đó, còn phải chủ động điều tra và điều trị bệnh sớm, kịp thời và phát động chiến dịch truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống sốt rét, đặc biệt tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao là dân di biến động vào các khu vực có sốt rét lưu hành, tăng cường vận động nhân dân tích cực làm tốt vệ sinh môi trường, triển khai các biện pháp bảo vệ cho cá nhân và cộng đồng.
Theo quy định, có 8 tiêu chí cần đạt để được công nhận là địa phương loại trừ bệnh sốt rét. Trong đó có tiêu chí bắt buộc là ít nhất 3 năm liên tục không có ca bệnh sốt rét nội địa trên địa bàn và đảm bảo một số điều kiện khác như: phân công cán bộ chuyên trách về phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét; 100% trường hợp bệnh sốt rét ngoại lai được báo cáo trong vòng 48 giờ kể từ khi phát hiện; 100% trường hợp bệnh ngoại lai được điều tra trong 3 ngày kể từ khi phát hiện; báo cáo đơn vị có khả năng xét nghiệm xác định trường hợp mắc bệnh sốt rét.
Do vậy, để loại trừ và ngăn chặn các mầm bệnh ngoại lai, cần tục đẩy mạnh công tác giám sát dịch tễ sốt rét, tăng cường công tác xét nghiệm, đặc biệt đối với những người từ địa phương, quốc gia khác về, những người đi rừng, ngủ rẫy, ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, củng cố và xây dựng mạng lưới y tế khóm ấp, quan tâm công tác quản lý y tế tư nhân, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống sốt rét. Qua đó nhằm kịp thời phát hiện, quản lý và điều trị trường hợp mắc bệnh, tránh để tiến triển thành sốt rét ác tính hay lây lan để góp phần đạt được các mục tiêu giảm tử vong, giảm mắc và không để xảy ra dịch.

Để cùng chung tay đẩy lùi bệnh sốt rét, sớm về đích để loại trừ sốt rét, thì công tác phòng, chống bệnh sốt rét không chỉ riêng ngành Y tế mà đòi hỏi vai trò và trách nhiệm của chính quyền, ban ngành, đoàn thể, cộng đồng và nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa phòng chống sốt rét, tích cực truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân./.
Nguyễn Minh Thời
TTYT thị xã Tịnh Biên
|