Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Các mũi tiêm nhắc lại và liều bổ sung

03:26 17/03/2022

Thời gian gần đây, có nhiều ca nhập viện do phản vệ nặng tại các cơ sở y tế, nhưng lại bị nhầm tưởng là sốc phản vệ sau tiêm vắc xin phòng COVID-19. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả của việc tiêm mũi 3 (mũi nhắc lại), mũi bổ sung. Do đó, mỗi người dân cần hiểu đúng về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, từ đó tuyên truyền vận động người thân, gia đình và cộng đồng tránh những nhầm tưởng không phải do vắc xin phòng COVID-19 gây ra.

Tiêm vaccine phòng COVID-19

- Tiêm liều bổ sung vắc xin phòng COVID-19:

+ Đối tượng: Người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc xin) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, bệnh tim mạch, tiểu đường, suy thận, người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...

+ Khoảng cách: Tiêm 01 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vắc xin.

- Tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19:

+ Đối tượng: Người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.

+ Khoảng cách: Tiêm 01 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.

Mũi tiêm thứ 3 vắc xin COVID-19: Những nhầm tưởng về sốc phản vệ sau tiêm

Thời gian gần đây thông tin được ghi nhận các trường hợp sau tiêm liều bổ sung hoặc tiêm nhắc lại, một số người có triệu chứng bị sốt cao, mẩn đỏ toàn thân, phù mặt, thở rít, tím tái... (đây là những biểu hiện có thể gặp sau khi tự dùng thuốc). Nếu không chẩn đoán và xử trí đúng thì dễ nhầm tưởng nguyên nhân phản ứng là do vắc xin; ngoài ra còn rất nhiều nhóm bệnh khác phải nhập viện sau tiêm vắc xin COVID-19, như: Mệt mỏi kéo dài, mất kiểm soát huyết áp; rối loạn nhịp tim; rối loạn glucose máu/đái tháo đường; rối loạn ý thức, co giật do hội chứng cai rượu; đột quỵ... Nhưng thực tế không liên quan đến vắc xin COVID-19 như nhiều người nhầm tưởng.

Trước tình hình gánh nặng của biến thể Omicron trên thế giới, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tiêm mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên với thời gian tính từ mũi cuối cùng của liều tiêm cơ bản là 3 tháng; những băn khoăn về tác dụng của vắc xin COVID-19 quá ngắn, thậm chí sau khi đã tiêm đủ vắc xin mà vẫn mắc COVID-19, vẫn có ca tử vong do COVID-19 sau khi đã tiêm đủ liều vắc xin... giới chuyên môn cho biết cơ chế tác động của vắc xin chỉ ngăn ngừa vi rút xâm nhập tế bào và gây bệnh, chứ nó không phải “lá chắn thần kỳ” ngăn chặn được vi rút bám vào cơ thể hoặc xâm nhập vùng mũi họng. Với người đã tiêm vắc xin, dù vi rút vẫn tồn tại ở mũi họng (qua xét nghiệm vẫn dương tính), nhưng không vào được tế bào (hoặc vào ít), không gây bệnh được (hoặc có nhưng nhẹ). Khi không xâm nhập được tế bào, vi rút không nhân lên được từ đó có thể nhanh chóng bị “xóa sổ”.

Theo chuyên gia trong lĩnh vực tiêm chủng, vắc xin phòng bệnh có loại vắc xin hiệu quả bảo vệ rất cao và kháng thể tồn tại lâu trong cơ thể (có thể suốt đời). Tuy nhiên, vắc xin COVID-19 hiệu quả bảo vệ không thật cao như mong muốn (theo công bố của các nhà sản xuất có loại 70% có loại đến 90%...). Đặc biệt, nồng độ kháng thể sẽ giảm sau khi tiêm mũi cuối cùng từ 4 tháng đến 6 tháng. Vì vậy, cần phải tiêm mũi nhắc lại sau 3 tháng tính từ mũi tiêm cuối cùng của liều cơ bản. Đối với người cần tiêm mũi bổ sung thì tiêm sau 28 ngày.

Tóm lại, những phản ứng có thể gặp sau khi tiêm vắc xin mũi thứ 3 tương tự như liều cơ bản. Hầu hết là các phản ứng thông thường như phản ứng tại chỗ tiêm, sưng đau. Phản ứng toàn thân như: Sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp... Những phản ứng bất thường, hiếm gặp có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin mũi thứ 3 là: Phản ứng phản vệ, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim... Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, người dân cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của mình sau khi tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Trước tình hình diễn biến phức tạp của biến chủng Omircon, người dân đã tiêm đủ liều cơ bản vắc xin COVID-19 hãy đến Trạm Y tế địa phương để đăng ký tiêm liều bổ sung và tiêm nhắc lại. Ngoài ra, số điện thoại mà người dân đã đăng ký khi tiêm chủng trước đó sẽ nhận được tin nhắn cụ thể về địa điểm, thời gian để đến tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Bs. Lê Hoàn Vinh

Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, TTYT Châu Đốc

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang