Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Hãy chung tay vì nạn nhân chất độc da cam

04:09 01/08/2022

Chiến tranh đã lùi xa, song hàng triệu người dân Việt Nam hằng ngày vẫn phải mang di họa trong mình bởi sự phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Nhiều nơi trên đất nước ta chất độc hóa học từ thời chiến tranh vẫn còn đó, thấm sâu vào lòng đất và nguồn nước, đang hủy hoại môi trường, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn trong đời sống của nhân dân.

Chất độc da cam (CĐDC) trong chiến tranh gây ra sự thảm khốc, tác động mạnh mẽ, gây hậu quả lâu dài. Đến nay, dù chiến tranh đã qua đi 47 năm nhưng vẫn để lại những di chứng; nhiều nơi các hệ sinh thái và môi trường bị hủy hoại; hàng trăm nghìn nạn nhân đã bị chết và hàng trăm nghìn người khác đang từng ngày, từng giờ chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo. Bởi, CĐDC có thể gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể: gây ung thư da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, nội tiết, thần kinh. Đặc biệt có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4.

Các nhà khoa học kết luận rằng chất độc màu da cam đã gây ra hậu quả y học và sinh học lâu dài đối với sức khỏe con người. Mà nạn nhân của nó là những người già, những thanh niên, thậm chí là những đứa trẻ, những em bé sơ sinh từ khi mới lọt lòng để phải hứng chịu những thương tổn ấy. Người nhẹ thì không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, có người thì không bao giờ có thể nghe thấy tiếng hát ru ầu ơ của bà, của mẹ. Người nặng thì mất đi đôi tay, hình nhân dị dạng hay khiếm khuyết về tinh thần,…Dù ít dù nhiều, họ cũng không thể có một cuộc sống bình thường như bao người khác. Đau lòng hơn là những đứa trẻ vô tội, tật nguyền, vừa chào đời đã phải lìa đời hoặc nếu sống được thì sức khoẻ, trí tuệ thậm chí cả hình hài đều không bình thường. Những sinh linh tội nghiệp ấy trở thành nỗi ám ảnh, đau đớn đến tê tái của người thân, gia đình và toàn xã hội.

 Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, song hậu quả của CĐDC đối với con người và môi trường vẫn chưa chìm vào dĩ vãng. Bởi những bi thảm đó vẫn còn dai dẳng kéo dài chưa có hồi kết, vì có bao đứa trẻ tiếp tục được sinh ra phải gánh chịu những bệnh tật mà không thể chữa khỏi. Những thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần của các gia đình nạn nhân là to lớn, không gì bù đắp được. Ở vùng đất bị nhiễm chất độc dioxin vẫn còn đó mà chưa được xử lý do chi phí quá cao. Những tiếng than khóc cho số phận giờ đây khó có thể bật thành tiếng bởi nỗi đau. Bao giọt nước mắt đã ngấm vào xương tủy, phải kìm nén trong tim; bởi cuộc sống vẫn sẽ tiếp tục và dù thế nào nữa, mỗi cá thể  đó trong xã hội đều phải gắng sức để tồn tại. Họ là những người đang từng ngày vất vả bởi khó khăn đeo bám trong cuộc sống. Nhiều cặp vợ chồng phải gánh áp lực về kinh tế, vừa phải vật lộn với nỗi đau day dứt, trở nên khốn đốn, nghèo khó.

Khó mà nói đủ và nói hết được những tổn thương tâm lý, tinh thần cũng như thể chất hoặc tốn kém về thời gian, sức lực và kinh tế của những gia đình có người thân là nạn nhân CĐDC. Chính vì thế ngày 10/8- Ngày vì nạn nhân CĐDC Việt Nam, được xem như là điểm hẹn của những nghĩa cử cao đẹp vì đạo nghĩa, để toàn thể xã hội cùng chung tay xoa dịu nỗi đau với số phận bất hạnh, những mãnh đời đã và đang phải chịu dày vò vì CĐDC do chiến tranh để lại. Đây cũng chính là những thông điệp kêu gọi sự hành động thiết thực để động viên, giúp đỡ những nạn nhân: “Em có trái tim nhưng tim em còn đang thoi thóp. Em có cuộc đời nhưng ai đã cướp. Nước mắt em rơi! Ôi nước mắt màu da cam”./.

                                                                                               Nguyễn Minh Thời

                                                                                                 TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang