Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Tự tử và các giải pháp phòng ngừa tự tử

10:15 05/09/2022

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng một triệu người chết do tự kết liễu đời mình và số người có ý định tự tử (TT) còn nhiều hơn con số thực sự tử vong đến 20 lần. Tại nhiều quốc gia, TT là nguyên nhân đứng hàng thứ ba dẫn đến cái chết cho những người ở vào độ tuổi từ 15 - 44 và thứ nhì đối với cái chết của nhóm thanh thiếu niên lứa tuổi từ 10 – 24. TT được xem như một vấn đề xã hội, nhưng ít được mọi người chú ý. Trong khi đó, mức độ nghiêm trọng của nó cũng không kém phần dịch bệnh cướp đi sinh mạng con người.

Tự tử là một hành vi tự xâm hại dẫn đến cái chết do cá nhân cố ý gây ra để chống lại bản thân. TT được chia ra thành các dạng như: TT không thành là hành vi không gây chết người mà một cá nhân đã cố ý thử; ngược lại là tự sát thành công, dẫn đến cái chết thực sự; TT mạn tính là trường hợp người ta biết rõ ràng hậu quả hành vi của họ sẽ nguy hiểm đến tính mạng, nhưng họ cứ sa đà nghiện ngập (rượu, ma túy), hay không tuân thủ điều trị trong các trường hợp đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì. Các phương tiện dùng để tự sát như dùng thuốc và hóa chất sai mục đích, dùng vũ khí, treo cổ, thắt cổ,  nhảy xuống nước, nhảy từ trên cao. lao vào tàu xe,  tự thiêu, rạch tĩnh mạch…

Nguyên nhân dẫn tới TT là do trầm cảm, sang chấn tâm lý, áp lực trong cuộc sống, học tập; lạm dụng và nghiện rượu, ma túy; các rối loạn tâm thần khác. Rối loạn tâm thần có nguy cơ tự sát rất cao như bệnh tâm thần phân liệt, lạm dụng rượu, rối loạn nhân cách xung động; các rối loạn hoang tưởng ảo giác hay sự đau khổ vì một bệnh tâm thần mạn tính chữa lâu ngày không khỏi. Ngoài ra, TT cũng xuất hiện ở các bệnh cơ thể trầm trọng, phản ứng tâm lý bi quan, thường xảy ra ở những người bị bệnh khó chữa. Trong đó nguy cơ tự sát cao ở người bị HIV/ AIDS hoặc ung thư.

Để phòng ngừa TT, cần giúp mọi người biết cách đối mặt và vượt qua những khó khăn, nhất là ở trẻ em và thanh thiếu niên; bởi đây là lứa tuổi còn bồng bột, bộc phát trong hành vi ứng xử. Cần có các biện pháp theo dõi, quan sát tế nhị và sát sao đối tượng, xử lý thích đáng và kịp thời. Trong đó,  gia đình và người thân có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nhận biết sớm các hành vi khác lạ dù là nhỏ nhất. Một việc hết sức quan trọng nữa là cần khai thác các biểu hiện tâm lý và rối loạn tâm thần biếtnhững tiềm ẩn, ý tưởng TT, kế hoạch tự sát, hành vi tự sát. Cần đặc biệt chú ý phát hiện các hoang tưởng bị tội và ảo giác mệnh lệnh thúc đẩy hành vi TT. Cần theo dõi các sự kiện chỉ báo nguy cơ TT cao như bệnh nhân không còn dự định gì cho tương lai, đem cho tài sản cá nhân, viết thư tuyệt mệnh, viết di chúc hay mới trải quả một cú sốc tinh thần. Đưa bệnh nhân gặp các nhà tâm lý hay các bác sĩ tâm thần để giúp hiểu rõ các khó khăn tâm lý của họ, giúp đở để họ chấp nhận các biện pháp điều trị như tạo ra môi trường an toàn, kiểm soát các phương tiện dùng để TT như: Tích trữ thuốc, các vật sắc nhọn, vũ khí, dây thừng, không để bệnh nhân nằm một mình ở các tầng gác cao. Nâng đỡ tâm lý, giảm nỗi đau bằng cách thay đổi môi trường stress, được trợ giúp gần gũi bên các thành viên gia đình, bạn bè hay người thân thuộc. Điều quan trọng là giúp họ một giải pháp tích cực cho vấn đề của mình bằng cách tìm ra một cách gì đó để thay thế như tìm một nguồn vui mới, một hoàn cảnh mới./.

                                                                                        Nguyễn Minh Thời

                                                                                     TTYT huyện Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang