Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Hãy đưa trẻ đi uống Vitamin A và phòng tránh thiếu vi chất dinh dưỡng

02:34 26/05/2021

Vi chất dinh dưỡng là những chất thiết yếu cho sự sống; giúp cơ thể phát triển trí não, nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật. Khi cơ thể mắc bệnh hoặc ăn uống không đầy đủ sẽ có nguy cơ thiếu các vi chất dinh dưỡng. Cơ thể cần khoảng 90 vi chất dinh dưỡng.

Một số vi chất cụ thể:

- Vitamin A và bệnh khô mắt: Vitamin A có vai trò quan trọng đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Nó giúp hình thành tế bào và niêm mạc mắt, giúp sáng mắt, tăng cường hệ thống miễn dịch giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng, .... Thiếu vitamin A nặng có thể đưa đến khô loét giác mạc, dẫn đến mù lòa.

Trẻ cần vitamin A khoảng 400-500mcg/ngày. Vitamin A có trong thịt, gan, cá, trứng gà, sữa, bơ, kem; các loại rau củ quả có màu vàng, đỏ; các loại rau màu thẫm...

- Vitamin C: có tác dụng giúp cho cơ thể chống oxy hóa, tham gia vào nhiều hoạt động sống quan trọng của cơ thể như quá trình hình thành collagen, kích thích ruột non hấp thụ sắt. Thiếu vitamin C sẽ dẫn đến hiện tượng sưng nướu răng, nướu chảy máu, mệt mỏi khi hoạt động. Vitamin C có nhiều trong: cam, quýt, bưởi, ổi chín, rau cải, rau muống, rau ngót, cà chua...

- Vitamin D và canxi: có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển xương và răng. Thiếu vitamin D và canxi trẻ chậm mọc răng, ngủ không yên giấc, đỗ mồ hôi trộm, .... Canxi có nhiều trong: tôm, cua, trai, ốc. Vitamin D được cung cấp chủ yếu qua việc tiếp xúc với ánh nắng và dầu cá, trứng, gan...

- Vitamin nhóm B (B1, B2, B6, B12, B9): có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng, tạo máu và hỗ trợ hệ thần kinh khỏe mạnh. Khi thiếu vitamin nhóm B sẽ dẫn đến phù, da tay chân nóng và dễ viêm, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, tinh thần không phấn chấn. Vitamin nhóm B có nhiều trong gạo lứt, đậu, thịt gà, rau lá xanh thẫm, chuối, sữa, pho mát.

- Kẽm: là thành phần của hơn 300 enzyme tham gia các hoạt động của cơ thể, tăng hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm, tăng cảm giác ngon miệng, tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp trẻ tăng trưởng chiều cao. Thiếu kẽm sẽ làm cho trẻ bị biếng ăn, chậm lớn, hay mắc các bệnh nhiễm trùng. Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm: sò, củ cải, đậu Hà Lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà.

- I-ốt: I-ốt chất cần thiết để tuyến giáp tổng hợp hooc-mon tăng trưởng; sự hình thành và phát triển của não. Trẻ thiếu I-ốt từ trong bào thai sẽ bị tổn thương não nặng nề như đần độn và bị các khuyết tật thần kinh khác.  Thực phẩm có nhiều I-ốt là cá biển, rong biển, rau cải xong, tảo... Người lớn thiếu I-ốt sẽ gây bướu cổ do tuyến giáp to ra, làm việc nhiều hơn để tổng hợp thêm nội tiết tố. Nhu cầu I-ốt ở trẻ em khoảng 90mcg-120mcg/ ngày.

- Sắt: Sắt là thành phần của huyết sắc tố, tham gia vận chuyển oxy và giữ vai trò quan trọng trong hô hấp tế bào. Thiếu sắt gây thiếu máu; biểu hiện da xanh, niêm mạc môi, lưỡi, mắt, nhợt nhạt, thiếu tập trung, kém hoạt bát. Sắt có nhiều trong thịt bò, lòng đỏ trứng gà, tim, gan, đậu, đỗ, rau lá xanh, mộc nhĩ, nấm hương… nên ăn với hoa quả chín có nhiều vitamin C sẽ giúp hấp thu sắt.

Để phòng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ, Viện Dinh Dưỡng khuyến cáo như sau:

1. Sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; khuyến khích lựa chọn thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.

2. Cho trẻ bú sớm, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

3. Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn bổ sung của trẻ. Thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu Vitamin A, Vitamin D.

4. Cho trẻ trong độ tuổi uống Vitamin A liều cao 2 lần/năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều Vitamin A.

5. Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun.

6. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn./.

Bs. Lê Minh Uy - Phó Giám đốc TT. Kiểm soát bệnh tật An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang