Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Xử lý nước mùa mưa lũ

02:02 01/10/2018

Mùa mưa bão đến là tình trạng ô nhiễm môi trường nước ngày càng tăng cao, từ đó thiếu nguồn nước sạch để sử dụng là vấn đề nan giải của người dân vùng lũ lụt. Để có nguồn nước sinh hoạt an toàn, nhằm bảo đảm sức khỏe và phòng tránh các dịch bệnh xảy ra, ta cần có những biện pháp đề phòng để tránh những ô nhiễm xảy ra từ mùa mưa bão.

Nguồn nước nhiễm bẩn khiến vi khuẩn, vi-rút và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát triển; dẫn đến lan truyền mầm bệnh. Các bệnh thường gặp phải như như mẩn ngứa, mụn nhọt, nấm chân tay, nước ăn chân, ghẻ lở, viêm da, viêm nang lông; các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về mắt, bệnh phụ khoa… Do đó, xử lý nguồn nước trong và sau mùa mưa bão để có nước sạch trong ăn uống, sinh hoạt là điều hết sức cần thiết.

1. Bảo vệ nguồn nước trước mưa bão

Dùng ni lông dày hoặc gấp lại, phủ kín miệng giếng (đối với giếng đào) và bịt kín miệng ống giếng, nâng cao an toàn máy bơm hút nước giếng (đối với giếng khoan) bằng dây cao su. Còn đối với nhà tiêu 2 ngăn: Lấy hết phân, đào hố sâu cách xa nguồn xử lý nước uống ít nhất 10m, ủ với vôi bột hoặc tro bếp sau đó lấp đất kỹ; nhà tiêu tự hoại hoặc thấm dội nước thì chuẩn bị nút đậy chặt lỗ hố tiêu; nhà tiêu chìm có ống thông hơi: Cho vôi bột hoặc tro bếp phủ kín lên bề mặt phân rồi lấp đất kín lại. Đối với chuồng gia súc thì thu gom phân cho vào hố cách xa nguồn xử lý nước sinh hoạt ít nhất 10m, sau đó rãi vôi bột hoặc tro bếp phủ toàn bộ bề mặt rồi lấp đất kỹ.

2. Xử lý nước sinh hoạt trong mưa lũ

- Làm trong nước

+ Làm trong bằng phèn chua: Dùng phèn chua với liều lượng 1g cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hoà lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.

+ Dùng vải lược: Có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong.

- Khử trùng nước bằng hóa chất

+ Đối với hộ gia đình: Thường khử trùng nước bằng Cloramin B. Hóa chất này được đóng gói dưới dạng viên. Hiện nay phổ biến nhất là viên Cloramin B 0,25g hoặc viên Aquatabs 67mg rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, lu, xô, chậu hoặc bể chứa nước nhỏ.  Một viên Cloramin B 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước, một viên Aquatabs 67mg có thể khử trùng được 20 lít nước trong.

+ Đối với nguồn nước cấp cho tập thể hoặc nhiều hộ gia đình sử dụng thì thử trùng bằng hoá chất bột (thường là Cloramin B loại 27% clo hoạt tính, Clorua vôi) và phải do cán bộ y tế hướng dẫn thực hiện.

Khi khử trùng cần cho 1 viên Cloramin B 0,25g vào thùng đựng 25 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp, chờ 30 phút sau có thể sử dụng làm nước sinh hoạt được. Còn  khử trùng bằng hóa chất Cloramine B 27%, để khử trùng khoảng 300 lít nước cần hòa tan 3g bột (tương đương 1/3 thìa canh) vào một gáo nước rồi đổ vào bể hoặc thùng chứa nước đã được làm trong, trộn đều, đậy nắp chờ 30 phút là có thể dùng được.

- Đun sôi nước

Chỉ nên sử dụng nước để uống trực tiếp sau khi đã đun sôi. Nước sau khi đun sôi không được để quá lâu, nên thường xuyên đun nước mới hàng ngày để uống. Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ ăn uống nước đã đun sôi kỹ, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.

3. Xử lý nước sau bão lụt

- Đối với giếng khơi:  Làm vệ sinh thành và nền giếng, khơi thông nước ngập lụt quanh giếng. Trước khi làm trong và khử trùng nước, phải lau vét giếng, lấy hết bùn, rửa thành giếng. Dùng phèn chua liều lượng 50gam/1m3 nước, nếu độ đục nhiều thì tăng lượng phèn chua nhưng tối đa 100gam/1m3. Tán nhỏ, hoà tan hết phèn chua trong chậu, sau đó cho nước phèn chua vào gàu múc nước thả mạnh xuống giếng rồi kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần và đợi 30 phút sau mới thực hiện bước khử trùng nước. Ước lượng số nước trong giếng cho hóa chất với liều lượng phù hợp. Sau 30 phút múc nước lên nếu không ngửi thấy mùi Clo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột Chloramine B quấy đều rồi cho vào giếng.Tiếp tục dùng nước này  để khử trùng ở thành giếng.

- Đối với giếng khoan: Tháo dây cao su và ni lông bịt miệng giếng khoan, cọ rửa vòi, cần và nền giếng khoan,  khơi thông cống rãnh quanh giếng. Sau đó bơm hết nước đục, cần bơm liên tiếp 15 phút nữa bỏ nước đi sau đó mới sử dụng./.

Nguyễn Minh Thời - TTYT huyện Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế tỉnh An Giang