Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Hoạt động bảo vệ nguồn nước sạch và giữ gìn vệ sinh môi trường tại huyện Tri Tôn

04:23 19/05/2022

Năm 2022, hoạt động hưởng ứng Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường tại huyện Tri Tôn, An Giang là tập trung tổ chức các hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông như: Treo băng rôn với khẩu hiệu "Nhiệt liệt hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường" tại Trung tâm Y tế và các Trạm Y tế xã, thị trấn nội dung về cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường ở địa phương trong điều kiện đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn và phòng, chống dịch COVID-19. Tổ chức cho cán bộ, nhân viên thực hiện tổng vệ sinh làm sạch đẹp cơ quan và khu vực xung quanh.

Tuyên truyền các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện phát động nhân dân tham gia phong trào tổng vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, chợ, đường phố, ngõ hẻm; nạo vét khai thông cống rãnh, kênh mương và những khu vực nước đọng; trồng cây xanh tạo cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.

Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, sự tham gia và cam kết của gia đình, cộng đồng, tổ chức chính trị xã hội và chính quyền địa phương về tầm quan trọng của việc cung cấp đầy đủ nước sạch, vệ sinh cá nhân để nâng cao sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tổ chức các chiến dịch truyền thông trực tuyến trên các mạng xã hội, trang web của các tổ chức chính trị xã hội nhằm giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng về sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả và giữ gìn vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân để nâng cao sức khoẻ và phòng, chống dịch bệnh. Đối với các trường học, có thể lồng ghép hoạt động giáo dục, tuyên truyền về các nội dung trên vào bài giảng của giáo viên trong các tiết học.

Tăng cường công tác quản lý, vận hành khai thác các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn, đầu tư mang lại hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước sạch sinh hoạt cho người dân sử dụng an toàn. Thực hiện bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp công trình cấp nước sạch và nhà tiêu của các Trạm Y tế vùng nông thôn đảm bảo có đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt nông thôn, hộ gia đình và công trình vệ sinh nông thôn; tuyên truyền sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân cho cộng đồng dân cư nông thôn nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để nâng cao sức khoẻ và phong chống dịch bệnh.

Đầu tư các phương tiện nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh thân thiện với trẻ em cho các nhà trẻ và trường học. Nhân rộng các mô hình, tăng cường tiếp cận với nước sạch, nâng cấp các phương tiện vệ sinh môi trường; rà soát đảm bảo nguồn thực phẩm lành mạnh cung cấp cho trẻ em năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển, nguồn cung cấp nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trong các trường học đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quy định cho học sinh sử dụng sinh hoạt; giáo dục về nếp sống, vệ sinh môi trường cho các nhà trẻ và trường học, lồng ghép nội dung và hình thức tuyên truyền trong trường học cho học sinh về ý thức sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân.

Các biện pháp bảo vệ nguồn nước và giữ gìn vệ sinh môi trường: Giữ sạch nguồn nước: không chăn thả gia súc - đổ rác gần nguồn nước, không phóng uế bậy, không thải trực tiếp vào nguồn nước sạch, không dùng phân tươi làm phân bón; sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn. Cần hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Tiết kiệm nước: giảm lãng phí khi sử dụng nước vào các sinh hoạt như: tắt vòi nước khi đánh răng; kiểm tra, bảo trì cải tạo đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước; dùng lại nguồn nước bể bơi, nước mưa vào những việc thích hợp như cọ rửa sân, tưới cây,... Xử lý phân người: ứng dụng tốt các giải pháp để xây dựng các loại cầu tiêu hợp vệ sinh (tự hoại, bán tự hoại, hai ngăn, thấm dội nước). Xử lý phân gia súc, động vật: Cần có kế hoạch thu gom với hố ủ hợp vệ sinh, chuồng trại cách xa nguồn nước theo quy định vệ sinh, không có nền thấm nước. Xử lý rác thải sinh hoạt và chất thải khác: Cần có phương tiện chứa rác có nắp đậy kín, đủ sức chứa nhất là rác hữu cơ ở gia đình, khu tập thể cũng như ở nơi công cộng, đồng thời có biện pháp xử lý hợp vệ sinh không gây ô nhiễm nguồn nước. Phân loại các chất thải ra môi trường để thực hiện các phương án tái sử dụng và tái chế chất thải. Xử lý nước thải: Cần có hệ thống xử lý nước thải do sinh hoạt (cống ngầm kín) rồi đổ ra hệ thống cống chung, đồng ruộng hoặc sông sau khi đã được xử lý chjung hoặc riêng. Nước thải công nghiệp, y tế phải xử lý theo quy định môi trường trước khi thải ra cộng đồng.

- Tích cực gia tăng việc sử dụng các loại năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió, các năng lượng tái tạo trong hệ thống thiết bị tiêu thụ năng lượng; hạn chế các hoạt động thải khí gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ô-zôn. Sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nhằm khắc phục ô nhiễm, cải thiện và phục hồi môi trường. Sử dụng thiết bị, dụng cụ bảo vệ môi trường, hình thành nếp sống, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh, lên án, tố cáo các hành vi phá hoại gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Việc cung cấp nước sạch đầy đủ là một trong những điều kiện cơ bản để bảo vệ sức khỏe của con người, góp phần khống chế bệnh tật. Hãy sử dụng nước sạch một cách tiết kiệm và giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống để phát triển bền vững./.

Tổ TTGDSK – TTYT Tri Tôn

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang