Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Phòng chống bệnh lao và COVID-19 những thách thức không nhỏ

10:08 25/03/2022

Tại Việt Nam, bệnh Lao không chỉ xảy ra tập trung ở một vài địa phương mà ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có người mắc lao và tử vong do lao. Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao và hơn 10.000 người chết vì căn bệnh này mỗi năm.

Đáng báo động là đa số bệnh nhân Lao là những gia đình có thu nhập thấp và trung bình thấp và bệnh Lao vẫn là căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất. Mặc dù hiện nay đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác phòng chống Lao trong thời gian qua.

Hiện nay, nước ta đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 giảm tỷ lệ người mắc bệnh Lao xuống một mức thấp nhất là 20/100.000 người.

An Giang là tỉnh có gánh nặng bệnh Lao rất nặng nề, đặc biệt là tình hình bệnh Lao và Lao đa kháng thuốc của tỉnh với số ca mắc đứng hàng thứ ba trong cả nước với hàng ngàn ca Lao nhạy cảm và hàng trăm bệnh nhân Lao kháng thuốc được phát hiện mỗi năm. Bên cạnh đó, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến tỷ lệ phát hiện các ca bệnh Lao toàn tỉnh giảm gần 40% trong năm 2021.       

Song bệnh Lao còn là kẻ giết người thầm lặng vì không ai bị mắc Lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Những người tử vong do Lao chủ yếu là do không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh Lao có thể điều trị khỏi hoàn toàn.

Cơ chế lây bệnh Lao nguy hiểm hơn so với dịch bệnh COVID-19 vì vi khuẩn Lao có thể lây truyền theo đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Trong khi đó, COVID-19 chỉ lây khi tiếp xúc với giọt bắn trực tiếp từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật qua tay tiếp xúc trực tiếp rồi đưa lên miệng mắt mũi.

Do đó, bệnh nhân Lao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ không những là gánh nặng cho gia đình mà còn là nguồn lây lan đáng lo ngại cho cộng đồng. Vì bệnh Lao từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và cũng giảm nhanh dịch tể bệnh Lao. Nên khi có các triệu chứng như sau thì phải đến ngay cơ sở tế để được khám và xét nghiệm kịp thời:

Ho khạc đờm kéo dài trên 02 tuần;

Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi;

Sốt nhẹ về chiều, người mệt mỏi, ra mô hôi về đêm;

Đau ngực, khó thở, ho ra máu.

Cách phòng chống bệnh Lao

+ Để phòng chống bệnh Lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh Lao;

+ Mọi người khi ho kéo dài hơn 02 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X.quang phổi để phát hiện bệnh Lao;

+ Bị bệnh Lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân Lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân Lao ra nắng mỗi ngày;

+ Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý;

+ Phát hiện sớm người mắc bệnh Lao điều trị kịp thời và đúng phác đồ để không còn khả năng lây bệnh cho người khác.

+ Người tiếp xúc với bệnh nhân Lao (Sống cùng nhà với bệnh nhân hoặc tiếp xúc với bệnh nhân 3 lần/tuần …) thì phải đến ngay cơ sở Y tế gần nhất để được khám và tiêm Mantoux nhằm tầm soát Lao tiềm ẩn

+ Vì sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi tổ chức và mỗi cá nhân hãy tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống bệnh Lao. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho cộng đồng biết cách phát hiện và phòng chống bệnh bệnh Lao có hiệu quả

Khi chăm sóc người bệnh Lao phổi tại nhà

Bệnh Lao phổi là một bệnh rất dễ lây lan qua không khí, đặc biệt ở trong phòng kín hoặc nhà ở chật hẹp. Chính vì vậy, khi chăm sóc bệnh nhân tại nhà cần phải chú ý:

Cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc với những thành viên khác trong gia đình và cộng đồng.

Người bệnh luôn mang khẩu trang che mũi, miệng khi phải giao tiếp với người khác. Khi ho hoặc hắt hơi cần phải che miệng, khạc đờm đúng nơi quy định và được hủy bệnh phẩm theo đúng phương pháp (ví dụ như đốt).

Vì đang mang mầm bệnh, tốt nhất là không tiếp xúc với những người có hệ miễn dịch kém như trẻ em, người già, bệnh nhân HIV/AIDS, người bị các bệnh đái tháo đường, suy thận,...

Nghỉ ngơi: Ngủ đủ mang lại hiệu quả nghỉ ngơi tốt nhất. Thời gian ngủ lý tưởng của bệnh nhân lao phổi là trưa ngủ 1-2 tiếng, tối ngủ 7-8 tiếng.

Cần phải cho bệnh nhân tắm giặt và vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thay quần áo mỗi ngày. Có thể hỗ trợ nếu người bệnh không làm được nhưng cần đeo khẩu trang cẩn thận để tránh lây nhiễm.

Khi đã vào giai đoạn ổn định, có thể thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng như tập thể dục, đọc sách, đi dạo nhưng tránh nơi đông người.

Các biện pháp người bị Lao cần thực hiện để giảm nguy cơ mắc COVID-19:

Ở nhà và không tiếp xúc với mọi người càng nhiều càng tốt.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hay nước sát khuẩn

Không chạm vào mặt, mũi, mắt bằng tay chưa rửa.

Tránh tiếp xúc gần với những người không khỏe.

Tuân thủ nghiêm việc điều trị lao của bạn.

Tránh đến bệnh viện càng nhiều càng tốt và giữ liên lạc với cơ sở y tế của bạn qua điện thoại.

Sử dụng khẩu trang và cẩn thận hơn để giữ vệ sinh như - khử trùng tay, bề mặt đã sử dụng, vứt bỏ khăn giấy đã qua sử dụng đúng cách, v.v.

Tóm lại, mọi người hãy tích cực hơn nữa trong cuộc chiến chống COVID-19 và phòng chống bệnh Lao. Trong muôn vàn khó khăn và thách thức nhưng nếu các cấp chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và cộng đồng cùng chung tay thì chắc chắn chúng ta sẽ đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030./.

Bs. Nguyễn Phương Nam - Trung tâm Kiểm soát bệnh bật An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang