08:17 29/10/2021
Iode là một vi chất dinh dưỡng rất cần thiết để tổng hợp hormon tuyến giáp. Dù chỉ cần một lượng rất nhỏ, nhưng khi thiếu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể. Bướu cổ và đần độn là hai biểu hiện thường gặp nhất. Ngoài ra, bà mẹ mang thai mà thiếu Iode có thể sảy thai, đẻ non, thai chết lưu hoặc sinh ra trẻ mang các dị tật bẩm sinh.
Hỏi: Iode là chất gì? Tại sao ta lại thiếu Iode Trả lời: Iode là một vi chất để tổng hợp hormon tuyến giáp. Các hormon tuyến giáp này đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của não bộ và kiểm soát chức năng các tổ chức cơ thể. Hàng ngày, cơ thể con người cần khoảng 150 mcg đến 200 mcg Iode. Nếu cơ thể tiếp nhận dưới 150 mcg thì gây ra các rối loạn do thiếu Iode. Nguyên nhân gây thiếu Iode là do sống ở vùng đất và nước có lượng Iode thấp, dẫn đến sử dụng thực phẩm từ cây trồng, vật nuôi tại đó có chứa lượng Iode thấp hoặc ăn lượng thực phẩm tinh chế, chế biến nhiều và trong quá trình chế biến, thực phẩm đã mất đi lượng Iode tự nhiên; hay ở một số vùng thường sử dụng nước mắm tự làm để thay thế muối Iode trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra có thể do tình trạng rối loạn kích thích tố nữ như phụ nữ dậy thì, có thai, tiền mãn kinh. Hỏi: Khi cơ thể thiếu Iode sẽ gây ra hậu quả gì? Trả lời: Khi cơ thể thiếu Iode, sẽ gây tác hại cho mọi lứa tuổi, nhưng ảnh hưởng nhất là thời kỳ bào thai và trẻ nhỏ. Ở thời kỳ bào thai, sự phát triển của thai nhi phụ thuộc hormon giáp trạng của người mẹ truyền sang cho con. Hormon này quan trọng cho sự phát triển của não và hệ thần kinh. Vì vậy, phụ nữ mang thai nếu thiếu Iode, sự phát triển bào thai sẽ bị ảnh hưởng, nhất là bộ não; ngoài ra còn có thể gây sảy thai tự nhiên, thai chết lưu, đẻ non. Khi mẹ thiếu Iode nặng, trẻ sinh ra có thể đần độn vì tổn thương não vĩnh viễn hay bị khuyết tật bẩm sinh như liệt tay hoặc chân, nói ngọng, điếc, lác mắt. Ở giai đoạn cơ thể trẻ phát triển, nếu thiếu Iode sẽ gây bệnh bướu cổ, đần độn, chậm phát triển trí tuệ, hạn chế sự phát triển chiều cao, cân nặng, suy dinh dưỡng; bên cạnh đó, nó còn làm giảm hoạt động tuyến giáp gây những biểu hiện rụng lông, táo bón, vàng da, sợ lạnh, tăng Cholesterol. Ở người trưởng thành, nếu thiếu Iode sẽ gây ra bướu cổ với các biến chứng như mệt mỏi, không linh hoạt và giảm khả năng lao động. Hậu quả là làm giảm chất lượng cuộc sống, gây ra những hạn chế về hoạt động trí tuệ, thể lực làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế gia đình và xã hội. Hỏi: Để phòng chống các rối loạn do thiếu Iode ta cần thực hiện theo những khuyến cáo nào? Trả lời: Để bù đắp lượng Iode bị thiếu hụt, các chuyên gia khuyến cáo sử dụng các thực phẩm giàu Iode là hải sản tôm, cua, cá, ghẹ, rong biển, tảo biển; các loại rau xanh đậm: rau dền, rau đay, mồng tơi; các loại trái cây tươi, thịt và sữa. Ngoài ra, người ta đã trộn nó vào các gia vị mặn khác nhau như muối, nước mắm, bột canh, xì dầu... Trong đó, muối Iode được dùng phổ biến nhất và không làm thay đổi mùi vị thức ăn. Lượng Iode được trộn vào muối an toàn cho cả người không thiếu Iode. Vì vậy, mọi người hoàn toàn có thể dự phòng được bằng cách cung cấp Iode cho cơ thể hàng ngày. Trong đó, biện pháp tiện lợi và rẻ tiền nhất là dùng muối Iode đều đặn trong khẩu phần ăn của mỗi gia đình. Tuy nhiên, Iode trong muối có thể bị hao hụt qua quá trình bảo quản và chế biến. Vì vậy, khi dùng chúng ta hãy lưu ý sau: Chọn bao bì muối Iode có nhãn hiệu in rõ ràng, thông tin đầy đủ, bao bì còn nguyên vẹn; giữ muối Iode nơi khô ráo, tránh ánh sáng mặt trời, dùng xong buộc kín miệng túi hoặc để muối trong lọ đậy nắp kín để tránh Iode bị bay hơi; không rang muối Iode; nên cho muối Iode vào thức ăn sau khi đã nấu chín. Nhân “Ngày toàn dân mua và sử dụng muối Iode - 2/11”; vì sức khỏe của cộng đồng, vì trí tuệ của thế hệ tương lai, mọi nhà hãy sử dụng muối Iode và các chế phẩm có chứa Iode./. Nguyễn Minh Thời TTYT Tịnh Biên
|
Văn phòng Sở Y tế An Giang