Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Thanh niên chung tay chấm dứt đại dịch AIDS

02:12 27/12/2022

Dù Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy (từ 28,6% năm 2004 xuống 12,7% năm 2019) và phụ nữ bán dâm (từ 5,9% năm 2002 xuống 3,1% năm 2020); khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện ước đạt 0,26%).

Nhưng để AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng thì số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm (hiện nay >10.000 ca/năm). Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS < 1/100.000 dân (hiện nay, ước tính 3,5 người/100.000 dân). Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con < 2% (hiện nay 6%). Điều đó, cho thấy chúng ta cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa.

Các số liệu giám sát cho thấy nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nhóm tuổi 15-24 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4,0% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,6% năm 2021. Thống kê năm 2021, 89,8% lây qua đường tình dục, quan hệ tình dục đồng giới nam chiếm 74,6%. Điều tra năm 2021 cho thấy kiến thức, thái độ thanh niên rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15-49 tuổi là 80%, cụ thể tỉ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ 15-24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%. Tỉ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nữ 15-24 tuổi là 36,6%, ở nam độ tuổi này là 39,7%.

Ngoài kiến thức thì quan hệ nhiều bạn tình cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ. nam nhóm tuổi 15-24 có nhiều hơn 1 bạn tình (trong 12 tháng trước ngày phỏng vấn) là 14%.

Vì vậy, Chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay 2022 là “Chấm dứt đại dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”. Để tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong thanh niên; các ngành, địa phương cần vào cuộc tuyên truyền, triển khai nhiều chương trình hành động nhằm nâng cao kiến thức, thái độ thực hành phòng, chống HIV/AIDS của thanh niên. Trong đó, đoàn thanh niên các cấp đóng vai trò quan trọng. Mở rộng các mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội”; Câu lạc bộ “Giáo dục kỹ năng sống cho nữ thanh niên dân tộc thiểu số”, Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”; duy trì Câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin”,… tạo sân chơi lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên, đẩy lùi tệ nạn xã hội, lồng ghép tuyên truyền kiến thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS cho thanh niên.

Ngành y tế đẩy mạnh hoạt động dự phòng lây nhiễm, đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV và mở rộng điều trị thuốc kháng HIV cho tất cả người nhiễm HIV ngay khi được phát hiện. Đặc biệt, ngành y tế đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông trong các nhà trường và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của trẻ vị thành niên, thanh niên về phòng, chống HIV/AIDS.

Cuối cùng mọi người không phân biệt ngành nghề, tuổi tác giới tính hãy tham gia các phong trào phòng chống AIDS để cho cuộc sống bình yên./.

Bs. Lê Minh Uy  - Phó Giám đốc TT.KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang