Theo dự báo, trong những ngày tới sẽ có 01 đợt nắng nóng kèm theo độ ẩm cao, đây sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm, vi-rút phát triển, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm thường gặp như:
1. Bệnh Tay chân miệng
Tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm vi-rút từ dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.
Căn bệnh này chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Phụ nữ mang thai cần phòng tránh bệnh, không nên tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh, bởi có khả năng lây nhiễm và truyền vi-rút sang cho con ngay trước hoặc trong khi sinh. Điều đáng lưu ý là một người có thể nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần do mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại vi-rút nhất định.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng và chưa có vắc xin phòng bệnh. Do đó, người bệnh có thể dùng thuốc để điều trị triệu chứng như hạ sốt hay giảm đau do các vết loét và cách ly trẻ bệnh với trẻ lành để tránh lây lan thành dịch.
2. Bệnh Viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính. Bệnh làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh do chưa từng được tiêm chủng trước đây và có thể bị nhiễm vi-rút khi đi du lịch, lao động, công tác vào vùng lưu hành bệnh VNNB
Bệnh VNNB không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động vật bị nhiễm vi-rút (thường là từ lợn nuôi) rồi từ đó lại đốt người và truyền bệnh cho người.
Bệnh thường có biểu hiện rất cấp tính bao gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc ly bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10%-20%.
Bệnh VNNB đã có vắc xin phòng bệnh nên việc tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh quan trọng, hiệu quả nhất.
Trẻ dưới 3 tuổi: Tiêm 3 liều vắc xin cơ bản theo lịch tiêm của chương trình Tiêm chủng mở rộng (tiêm miễn phí 3 mũi cơ bản tại các Trạm y tế trên cả nước)
- Tiêm mũi thứ 1: Khi trẻ ≥ 1 tuổi;
- Tiêm mũi thứ 2: Sau tiêm mũi thứ nhất, ít nhất từ 7 đến 10 ngày;
- Tiêm mũi thứ 3: Sau tiêm mũi thứ 2, ít nhất là một năm;
Sau đó cứ 3 - 4 năm, tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
3. Bệnh Sởi
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm. Phương thức lây truyền bệnh bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Bệnh sởi có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được trên 95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng.
Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc-xin sởi đều có thể nhiễm sởi. Đây là loại bệnh lành tính, nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên trẻ mắc bệnh rất dễ bị biến chứng như viêm phổi, tiêu chảy…. và có thể diễn biến nặng hoặc tử vong do những căn bệnh này.
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi-rút sởi gây ra, do vậy, tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi (tiêm miễn phí tại các Trạm Y tế).
4. Bệnh Thủy đậu
Bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm vi-rút Varicella Zoter gây ra (bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn). Vi-rút có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.
Người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mặt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày.
Đây cũng là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.
Bệnh thủy đậu đã có vắc xin phòng bệnh nên việc tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh quan trọng, hiệu quả nhất.
5. Bệnh Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi-rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi-rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do muỗi Aedes aegypti
Triệu chứng nhận biết bệnh sốt xuất huyết như sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt, nổi mẩn, phát ban. Nặng hơn người bệnh có thể bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đau bụng, tụt huyết áp, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Vì sức khỏe của con trẻ, của gia đình mình và của cộng đồng
toàn dân hãy tích cực chủ động phòng chống các bệnh thường gặp trong mùa hè./.
Bs. Nguyễn Văn Bảy
TTYT huyện Tri Tôn
|