Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Bệnh lao phổi và mục tiêu thanh toán vào năm 2030

08:45 24/03/2023

Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 174.000 bệnh nhân lao và 13.000 người tử vong vì căn bệnh này. Nếu không được chữa trị, hàng năm mỗi người mắc lao sẽ lây nhiễm cho trung bình từ 10-15 người khác.

Lao là một bệnh truyền nhiễm được lây lan qua tiếp xúc gần và thường xuyên với bệnh nhân lao phổi. Hầu hết các vi khuẩn lao được đưa ra ngoài thông qua hành động ho, hắt hơi, khạc hoặc thậm chí là nói chuyện. Những người bình thường chỉ cần hít phải một vài giọt bệnh phẩm nhỏ li ti trong không khí cũng có thể bị nhiễm bệnh. Những người mắc các bệnh mạn tính: đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, suy thận mạn, bụi phổi; Người suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như ung thư, người nhiễm HIV, điều trị corticoid hay người cao tuổi, nghiện rượu, hút thuốc lá, thuốc lào, người đã có tiền sử điều trị lao là người có nguy cơ cao bị bệnh lao. Đối với người nghi lao phổi thường có các biểu hiện sau: Ho kéo dài trên 2 tuần. Có thể là ho khan, có đờm hoặc ho ra máu. Có thể kèm Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi “trộm” ban đêm, đau ngực, đôi khi khó thở.

Lao là một bệnh có thể chữa khỏi, nếu người bệnh thực hiện theo những hướng dẫn sau: Nếu có dấu hiệu nghi lao hoặc thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh lao, cần đến các Trạm y tế xã/phường hoặc TTYT/BV huyện hoặc Bệnh viện phổi tỉnh để được khám, chỉ định các xét nghiệm cần thiết sàng lọc bệnh lao như chụp Xquang phổi, xét nghiệm đờm; không tự ý ngừng, thêm hoặc đổi thuốc; thông báo ngay cho cán bộ y tế khi thấy có những biểu hiện bất thường như buồn nôn, nôn, ù tai, chóng mặt, vàng da, chán ăn; tái khám đúng hẹn và làm đủ các xét nghiệm trong quá trình điều trị; duy trì điều trị khi đi xa hoặc thay đổi nơi ở; thực hiện các biện pháp phòng lây bệnh cho người xung quanh; tập luyện, sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất để nâng sức chống đỡ với bệnh; không hút thuốc lá, không uống rượu bia.

Để góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống lao Việt Nam và mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW được Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thông qua. Ngoài sự nâng cao hiểu biết của người dân, đặc biệt là người có nguy cơ cao, người dân sống, vùng xa, vùng biên giới, đồng bào dân tộc ít người trong công tác phòng, chống lao, thì trách nhiệm không chỉ là của những cán bộ trực tiếp làm công tác này, mà cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành; đặc biệt là Báo đài và mỗi người dân. Khi làm được như vậy, chúng ta sẽ khống chế, đẩy lùi, tiến tới thanh toán bệnh lao theo mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế đất nước./.

                                                                                            Nguyễn Minh Thời

                                                                                             TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang