Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Bệnh lao và cách phòng chống

09:44 14/04/2023

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn lao gây ra, là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng. Cứ 60 phút thế giới có thêm 1.095 người mắc bệnh lao. Mỗi năm có 1.8 triệu người chết do bệnh lao. Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất.

 

1. Bệnh lao là gì?

Bệnh lao là bệnh do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh này thường ảnh hưởng đến phổi nên người ta hay đồng nghĩa bệnh Lao và Lao phổi. Tuy nhiên, vi khuẩn Lao cũng có thể tấn công đến các bộ phận khác của cơ thể như hạch bạch huyết, thận, xương,... gây ra lao thận, lao xương,…

2. Triệu chứng bệnh lao

Bệnh lao ở phổi có thể gây ra các triệu chứng sau:

– Ho khạc đờm kéo dài trên 02 tuần;

– Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi.

– Sốt nhẹ về chiều, người mệt mỏi, ra mồ hôi về đêm

– Đau ngực, khó thở, ho ra máu.

Triệu chứng bệnh lao ở các bộ phận khác của cơ thể có thể bao gồm:

- Lao thận có thể dẫn đến đi tiểu ra máu

- Lao cột sống có thể gây đau lưng

- Lao thanh quản có thể gây khàn tiếng

- Viêm màng não do lao có thể gây nhức đầu hoặc lú lẫn

3. Nguyên nhân lây nhiễm

Lao lây qua không khí từ người này sang người khác. Vi khuẩn lao bị phát tán vào không khí khi một người mắc bệnh (lao phổi hoặc lao họng) ho, hắt hơi, nói, hoặc hát, những người ở gần đó có thể hít phải các vi khuẩn này và bị nhiễm khuẩn.

Khi một người hít phải mầm bệnh lao, mầm bệnh lao có thể bám vào phổi và bắt đầu sinh trưởng. Từ đó, di chuyển qua máu đến các bộ phận khác của cơ thể như thận, cột sống hay não.

4. Cách phòng chống bệnh lao

- Để phòng chống bệnh lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh lao;

- Mọi người khi ho kéo dài hơn 02 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X-quang phổi để phát hiện bệnh lao;

- Bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị (với bệnh nhân xét nghiệm có vi khuẩn lao trong đờm). Cần phơi mền, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày;

- Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý;

- Phát hiện sớm người mắc bệnh lao điều trị kịp thời và đúng phác đồ để không còn khả năng lây bệnh cho người khác./.

Hoàng Thị Thúy Kiều Em - Tổ TTGDSK, TTYT Thoại Sơn

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang