
Những nhóm đối tượng có nguy cao bị sốc nhiệt bao gồm người già; trẻ em; phụ nữ có thai; người làm việc, tập luyện trong môi trường nóng kéo dài; người mắc bệnh mạn tính, suy nhược cơ thể. Biểu hiện một cơn sốc nhiệt sẽ có những dấu hiệu như mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, chuột rút, mặt đỏ bừng, da khô, ý thức, nhận thức bị thay đổi, lú lẩn hoặc hôn mê.
Khi gặp trường hợp sốc nhiệt cần gọi ngay xe cấp cứu và tiến hành các bước xử trí ban đầu trong thời gian chờ sự giúp đỡ y tế: Ngay lập tức đưa nạn nhân vào bóng râm, làm mát cơ thể; đặt túi nước đá hoặc khăn ướt mát lên cổ, nách và bẹn của nạn nhân; tưới mát, dùng khăn ướt đấp lên người, quạt để hạn nhiệt; nếu có nước mát hãy cho người bệnh uống ngay để bù nước. Cần thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể của nạn nhân và tiếp tục làm mát cho đến khi thân nhiệt giảm xuống còn dưới 39 độ C. Bắt đầu hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực, nếu người bệnh ngừng thở, ngừng tim.

Để phòng tránh sốc nhiệt do nắng nóng không nên đi ra đường khi thời tiết nắng nóng. Trong trường hợp bắt buột phải đội nón, đeo kính, mặc áo chống nắng. Khi thời tiết nắng nóng không nên vận động thể thao cường độ cao, chọn khung giờ phù hợp để luyện tập. Tăng cường bổ sung nước, muối và vitamin, ăn nhiều rau xanh và hoa quả để tăng cường sức chịu đựng, sự dẻo dai cho cơ thể. Với người ngồi điều hòa liên tục, nên ở phòng mát hoặc cân bằng nhiệt trước khi đi ra ngoài đường. Không nên để trẻ em và người già ở phòng lạnh quá nhiều. Cần hạn chế rượu và cafein vì chúng đều làm cơ thể bị mất nước khiến dễ bị kiệt sức do nhiệt./.
Nguyễn Minh Thời
TTYT Tịnh Biên
|