Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Giải Nobel y sinh học 2022, COVID-19 và chúng ta đến từ đâu?

02:57 29/05/2023

1. Nobel y sinh học 2022 và COVID-19

Có khi nào các bạn thắc mắc tại sao có những người bị nhiễm SARS-CoV-2 nặng hơn người khác, thậm chí tử vong. Giáo sư Svante Pääbo phát hiện ra gen có liên quan đến điều này.

Các công trình mới đây của ông cho thấy người bệnh COVID-19, đặc biệt là ở châu Âu và nhất là ở Nam Á, thường mang một đoạn ADN của người cổ đại Neandertal.  Đoạn gen này ở nhiễm sắc thể số 3 có liên quan đến nhiễm COVID-19 nặng (phải nhập viện, thở máy, hay tử vong). Đoạn gen này được tìm thấy ở 63% người Bangladesh; những người mang đoạn gen này có nguy cơ tử vong cao gấp hai lần người dân trong cộng đồng. Điều thú vị là gen này có nguồn gốc từ hệ gen của tông người Neanderthal hơn 30.000 năm trước. Một số (khoảng 3 - 6%) người Đông Nam Á cũng mang trong người biến thể gen này.

Thời điểm giống người hiện đại tiếp nhận một số đoạn gen nói trên từ người Neandertal diễn ra cách nay khoảng 60.000 năm. Sự hiện diện của đoạn gen này khiến người nhiễm vi rút gây bệnh COVID-19 có nguy cơ bị nhiều biến chứng hơn. 

2. Vài nét về Giải nobel y sinh học 2022.

Ông được Hội đồng giải Nobel trao tặng giải nobel y sinh học 2022 với công trình “những khám phá liên quan đến các hệ gen người cổ tuyệt chủng (hominins) và tiến hóa loài người”

Công trình của ông có thể tạm tóm gọn trong 3 điều sau:

Thứ nhất, ông giải trình tự bộ gen của người vượn Neanderthal, một họ hàng đã tuyệt chủng của loài người ngày nay. Ông cũng phát hiện ra rằng người Homo sapiens có lai với người Neanderthal.

Cây phả hệ của chi người tinh khôn (Homo sapiens) như sau: Người tinh khôn, người hiện đại ngày nay thuộc giống Homo sapiens. Cùng với 7 giống người cổ đại có nguồn gốc từ hàng triệu năm trước. Khoảng 70.000 năm trước, các nhóm người trên rời châu Phi và tản mác khắp Trái đất, kể cả Đông Nam Á. Qua thời gian, nhiều loài tuyệt chủng và giáo sư Paboo phát hiện sự chuyển gen của những loài tuyệt chủng này sang Người tinh khôn Homo Sapiens.

Thứ hai, giáo ưu Paboo cũng phát hiện ADN một loài giống người khác được có tên Denisovan di truyền từ chi người cổ đại đến người hiện đại. Điều này giúp khoa học khám phá thêm vô số cách thức mà các thế hệ những tổ tiên tuyệt chủng đã di truyền lại cho hậu thế.

Ví dụ phiên bản gen EPAS1 Denisovan mang lại lợi thế sống sót trên cao cho cư dân vùng núi Tây Tạng. Hay một số gen của người Neanderthal, chiếm khoảng 2% gen người hiện đại, ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch, đưa đến những yếu tố nguy cơ với một số bệnh.

Thứ ba, Ông đã tạo ra một lĩnh vực khoa học hoàn toàn mới có tên Paleogenomics (tạm dịch là cổ di truyền sinh vật học). Các nghiên cứu giúp tái tạo và phân tích thông tin bộ gen của các loài giống người đã tuyệt chủng, từ đó cho chúng ta hiểu biết mới về lịch sử tiến hóa loài người hiện đại của chúng ta. Với những khác biệt về gen giúp phân biệt tất cả chúng ta với các sinh vật thuộc tông người đã tuyệt chủng, cung cấp cơ sở để khám phá điều gì khiến chúng ta trở thành con người độc nhất vô nhị, cũng góp phần trả lời bí ẩn muôn đời: "Chúng ta đến từ đâu"?

3. Tóm gọn sự nghiệp của GS Svante Pääbo.

Sự nghiệp khoa học của Pääbo bắt đầu từ năm 2002, ông phát hiện một gen có tên là FOXP2, có liên quan đến khả năng sử dụng ngôn ngữ.

Năm 2006, ông và đồng nghiệp công bố hệ gen của tông người Neanderthal, và sau được tạp chí Time vinh danh là một trong 100 người có ảnh hưởng lớn nhất trong năm. Những năm sau đó, ông tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu hệ gen của các tông người cổ đại và khám phá ra tông người Denisovan năm 2010.

Ông là tác giả và đồng tác giả của hơn 400 bài báo khoa học và được trao nhiều giải thưởng danh giá, trong đó phải kể đến Gottfried Wilhelm Leibniz Prize (1992), một giải thưởng cao quý của Đức, vì những công trình liên quan đến chiết xuất ADN cổ đại./.

Ths.Bs Lê Minh Uy, Phó Giám đốc TT.KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang