Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Bệnh dại

03:36 01/06/2023

Mùa hè nắng nóng là thời điểm những bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát, đặc biệt là bệnh dại. Bệnh dại do vi rút gây nên, lây truyền từ động vật sang người. Có 2 thể bệnh dại là thể điên cuồng và thể dại câm (bại liệt), trong đó thể điên cuồng là phổ biến nhất.

Hiện nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, gần như gây tử vong 100%. Theo thống kê, số người chết trong 5 năm qua 410 người, năm 2022  là 70 người. Riêng 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 người tử vong do bệnh dại.

Bệnh dại thời gian ủ thường từ 1-3 tháng nhưng có thể thay đổi từ 1 tuần đến 1 năm, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như nơi mà vi rút xâm nhập hoặc lượng vi rút xâm nhập. Các dấu hiệu ban đầu của bệnh dại gồm sốt cao, cảm giác ngứa ran, bị châm chích, nóng rát. Thường dại có hai dạng biểu hiện: Người mắc bệnh dại trở nên hung dữ: có dấu hiệu tăng động, thái độ kích động, sợ nước, có khi sợ gió. Bệnh nhân tử vong sau vài ngày do ngưng tim hô hấp. Bệnh dại dạng tê liệt: chiếm 30% trong tổng số các trường hợp ở người. Thời gian diễn tiến của dạng bệnh này kéo dài hơn dạng hung dữ. Từ chỗ vết thương, các cơ dần tê liệt. Bệnh nhân bị hôn mê và có thể tử vong.

Để phòng dại khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay cơ sở y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam hay tự chữa bệnh dại.

Cho đến nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để chủ động phòng chống, Cục Y tế dự phòng-  Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo; khi một con chó gầm gừ đến gần, không được bỏ chạy, đứng yên tại chỗ, tay duỗi hai bên; nếu bị chó tấn công, hãy cố gắng ngồi im, cuộn tròn người và tay che mặt lại./.

                                                                                        Nguyễn Minh Thời

                                                                                          TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang