Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở cộng đồng

11:11 18/06/2023

Vi chất Dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cơ thể. Vi chất dinh dưỡng bao gồm: Nhóm các vitamin (A, B, C, D...) và nhóm các chất khoáng (canxi, sắt, kẽm, iod, selen, đồng...). Đối tượng có nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng: phụ nữ có thai, PN tuổi sinh đẻ và trẻ nhỏ, Người cao tuổi,…

Nguyên nhân thiếu Vi chất dinh dưỡng là do: Khẩu phần ăn thiếu vi chất và do bệnh lý gây mất hoặc giảm hấp thu.

Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ tạo gánh nặng cho quốc gia về sức khỏe và kinh tế: trên thế giới có khoảng 2 tỷ người trên thế giới bị thiếu vi chất dinh dưỡng1; 190 triệu Trẻ em trước tuổi học đường bị thiếu vitamin A2 ; 1.1 triệu Người tử vong hàng năm do thiếu vitamin A và kẽm3; 136,000 Phụ nữ và trẻ em tử vong hàng năm do thiếu máu thiếu sắt4; 300,000 Dị tật bẩm sinh toàn cầu do bà mẹ thiếu folate5; 45% Trẻ em tử vong do thiếu dinh  dưỡng3

Một số Bệnh do Thiếu vi chất dinh dưỡng

Thiếu i-ốt gây bệnh bướu cổ, thiếu kẽm gây bệnh suy dinh dưỡng, thấp còi, thiếu canxi và vitamin D gây bệnh còi xương, thiếu sắt gây bệnh thiếu máu thiếu sắt, thiếu vitamin PP gây bệnh viêm da Pellagra (do chế độ ăn kiêng ngô (bắp) hoàn toàn hoặc mặc dù có ăn ngô nhưng đã bị hấp hoặc nấu chín, Biểu hiện ban đầu thường là ban đỏ ở vùng mu tay kèm theo ngứa và cảm giác dát bỏng, tổn thương đối xứng và da hơi phù nề nhẹ), thiếu vitamin C gây bệnh Scorbut (là bệnh do thiếu vitamin C gây ra. Bệnh gặp ở cả người lớn và trẻ em. Ở người lớn, bệnh có biểu hiện viêm lợi, chảy máu chân răng, đốm xuất huyết, tụ máu dưới màng xương, tăng sừng hóa ở nang lông), thiếu vitamin K gây bệnh xuất huyết não, màng não, thiếu vitamin B12 gây bệnh thiếu máu, thiếu vitamin A gây bệnh khô mắt, thiếu vitamin B1 gây bệnh Beri-Beri (hay bệnh tê phù), thiếu fluor gây bệnh mắc các bệnh răng miệng.

1. Phòng chống thiếu vitamin A ở cộng đồng

Vitamin A là loại vitamin tan trong chất  béo, không tan trong nước; Cấu trúc hóa học: vitamin A (Retinol) và tiền vitamin A (Carotenoid); Là loại vi chất cơ thể không tự tổng hợp được mà chỉ cung cấp từ thức ăn.

Những triệu chứng toàn thân khi thiếu vitamin A: Trẻ mệt mỏi, kém ăn; Khô mắt; Da khô, tóc khô dễ gãy; Chậm lớn; Trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, bị rối loạn tiêu hoá; Vết thương lâu lành.

Nguyên nhân thiếu vitamin A:

Trẻ sinh non tháng, sinh nhẹ cân, sinh đa thai…; Trẻ không được bú mẹ; Trẻ sơ sinh đang bú mẹ và chế độ ăn uống của mẹ thiếu vitamin A; Trẻ dưới 5 tuổi bị mắc các bệnh sởi, Nhiễm khuẩn hô hấp cấp, tiêu chảy kéo dài và suy dinh dưỡng nặng; Bệnh lý rối loạn hấp thu chất béo: bệnh lý gan mật, tắc nghẽn đường  mật…

Hậu quả thiếu vitamin A:

Thiếu Vitamin A làm trẻ em chậm lớn, nhất là ở trẻ nhỏ. Làm giảm sức đề kháng cơ thể đối với bệnh tật; Nhiễm trùng và thiếu vitamin A là một vòng luẩn quẩn bệnh lý dẫ̃n tới nguy cơ tử vong cao. Gây nên các tổn thương ở mắt (bệnh “Khô mắt”), mù vĩnh viễn

Giải pháp phòng chống thiếu vitamin A:

a) Khuyến khích chế độ ăn đa dạng thực phẩm, sử dụng thực phẩm giàu vitamin A. Đối với bà mẹ: Khi có thai và cho con bú cần ăn thức ăn giàu vitamin A. Đối với trẻ: Cho trẻ bú sớm, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 24 tháng, aăn bổ sung từ 7 tháng trở lên, ăn đa dạng nguồn thực phẩm, nguồn thực phẩm bổ sung nhiều vitamin A có trong:

- Động vật: gan, thịt bò nạc, cá hồi, lòng đỏ trứng, cá, tôm, dầu cá,…

- Thực vật: rau quả có màu vàng, đỏ (cà rốt, bí đỏ, cà chua..) khoai lang,..

b) Triển khai uống bổ sung vitamin A dự phòng:

- Trẻ có nguy cơ cao thiếu vitamin A (Trẻ dưới 5 tuổi bị mắc các bệnh sởi, viêm hô hấp cấp, tiêu chảy kéo dài, SDD nặng ở cộng đồng và trong bệnh viện, trẻ <6 tháng tuổi không được bú mẹ), trẻ cần được uống bổ sung viên nang vitamin A mỗi 6  tháng 1 lần: trẻ 12 tháng đến 35 tháng 29 ngày tuổi mỗi lần uống 200.000 IU; trẻ từ 6-11 tháng tuổi uống 100.000 IU).

- Các bà mẹ trong vòng tháng đầu sau sinh có thể uống một liều Vitamin A (200.000 đơn vị) theo hướng dẫn của Bộ y tế.

2. Phòng chống thiếu sắt và thiếu máu ở cộng đồng

2.1.Vai trò của sắt trong cơ thể:

Sắt là một trong những chất khoáng rất quan trọng đối với cơ thể. Sắt là nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin, chất có mặt trong tế bào hồng cầu, và có vai trò vận chuyển oxy trong máu đến với các mô trong cơ thể. Sắt cũng là thành phần của myoglobin, có trong cơ vân, có tác dụng dự trữ oxy cho hoạt động của cơ vân, chúng sẽ kết hợp với các chất dinh dưỡng khác để giải phóng năng lượng cho sự co cơ. Sắt cũng là thành phần cấu tạo của một số loại protein và enzyme, có vai trò quan trọng trong các phản ứng sinh hoá trong tế bào. Sắt đóng một vai trò quyết định trong sự tăng trưởng và phát triển thể chất của trẻ em và thanh thiếu niên, vì nó giúp cơ thể phát triển một cách khoẻ mạnh và hài hòa

2.2. Nguyên nhân thiếu sắt:

Các nguyên nhân gây thiếu sắt là do khẩu phần ăn thiếu sắt, cơ thể đang trong giai đoạn phát triển mạnh, nhu cầu sắt tăng nhưng khẩu phần ăn không đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể, bị bệnh gây mất sắt (nhiễm giun) hoặc cản trở hấp thu sắt.

2.3. Đối tượng có nguy cơ thiếu sắt

Phụ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là khi có thai, phụ nữ sau khi sinh, cho con bú; Trẻ em có cân nặng sơ sinh thấp, hoặc không được nuôi bằng sữa mẹ, trẻ dưới 5 tuổi đặc biệt trẻ em dưới 24 tháng, trẻ em bị suy dinh dưỡng; Trẻ em ở tuổi vị thành niên, nhất là trẻ em gái; Người có nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, đặt biệt là giun móc; Người suy dinh dưỡng, người già; Những người sống trong vùng kinh tế khó khăn (nông thôn hay miền núi), khu công nghiệp, vùng không triển khai chương trình phòng chống thiếu máu

2.4. Chẩn đoán thiếu sắt

2.4.1. Những dấu hiệu lâm sàng phát hiện thiếu máu

- Trẻ em: Da xanh, niêm mạc nhợt; Trẻ kém hoạt bát, thường học kém, hay buồn ngủ; Khi bị thiếu máu nặng, trẻ có khó thở, hay bị nhiễm khuẩn hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn khác.

- Người trưởng thành: Da xanh, niêm mạc nhợt (niêm mạc mắt, lợi), Móng tay khum hình thìa, lòng bàn tay nhợt nhạt, Đầu lưỡi có một đám những hạt sắc tố đỏ sẫm, mệt mỏi, Thiếu máu nặng: chóng mặt, tim đập mạnh, khó thở khi lao động gắng sức…

2.4.2. Cận lâm sàng để chẩn đoán thiếu máu

Xét nghiệm thường dùng để chẩn đoán thiếu máu là định lượng huyết sắc tố (hemoglobin - Hb) và dựa vào ngưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới để chẩn đoán thiếu máu. Kết quả xét nghiệm thấp hơn ngưỡng hemoglobin hoặc hematocrit trình bày trong bảng sau đây được coi là bị thiếu máu:

Bảng 1.1. Ngưỡng thiếu máu ở các nhóm tuổi

Nhóm tuổi/giới

Ngưỡng Hemoglobin (g/dL)

Ngưỡng Hematorit (%)

Trẻ em 6 - 59 tháng

11,0

33

Trẻ em 5-11 tuổi

11,5

34

Trẻ em 12-14 tuổi

12,0

36

Phụ nữ không có thai (≥ 15 tuổi)

12,0

36

Phụ nữ có thai

11,0

33

Nam giới (≥ 15 tuổi

13,0

39

Đối với các cuộc điều tra sàng lọc ở cộng đồng, định lượng hemoglobin là xét nghiệm thường dùng để chẩn đoán thiếu máu. Tuy nhiên, xét nghiệm Hb chỉ chẩn đoán tình trạng thiếu máu; để tìm hiểu nguyên nhân thiếu máu cần làm thêm các xét nghiệm khác. Thiếu máu là giai đoạn cuối cùng của thiếu sắt. Để chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt thường sử dụng chỉ số hemoglobin và ferritin huyết thanh:

- Trẻ em 6-59 tháng: Thiếu máu: Hb <110 g/L và nồng độ ferritin <12 μg/L.

- Trẻ em > 5 tuổi và người trưởng thành: Thiếu máu (ngưỡng hemoglobin như bảng trên) kết hợp với nồng độ ferritin <15 μg/L

2.5. Điều trị thiếu máu do thiếu sắt

Khi người phụ nữ được chẩn đoán là thiếu máu lâm sàng, cần được điều trị bằng sắt hàng ngày (120 mg nguyên tố sắt) và folic acid (400 mg hoặc 0,4 g) bổ sung cho đến khi nồng độ hemoglobin tăng lên bình thường. Sau đó, chuyển sang chế độ liên tục bổ sung sắt ngắt quãng để phòng ngừa bệnh thiếu máu tái phát (theo QĐ 4944/QĐ-BYT). (120 mg sắt nguyên tố tương đương 600 mg sắt sulfate heptahydrate, 360mg sắt fumarate hoặc 1000 mg sắt gluconate)

Ở những khu vực có bệnh sốt rét lưu hành, bổ sung sắt và acid folic nên được thực hiện kết hợp với các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, chẩn đoán, và điều trị bệnh sốt rét

2.6. Một số giải pháp phòng chống thiếu sắt và thiếu máu thiếu sắt

  • Khuyến khích duy trì chế độ ăn đa dạng thực phẩm, sử dụng thực phẩm giàu sắt, vitamin C,…
  • Bổ sung sắt vào thực phẩm như nước mắm, xì dầu, bánh quy, ngũ cốc, bột dinh dưỡng,…
  • Thúc đẩy và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại cộng đồng.
  • Dự phòng và điều trị bệnh liên quan tới thiếu sắt
  • Dự phòng và điều trị thiếu máu theo phác đồ.
  • Giáo dục dinh dưỡng
  • Triển khai các hoạt động phòng chống thiếu sắt tại cơ sở
  • Tẩy giun định kỳ đặc biệt là cho trẻ từ 24 – 60 tháng tuổi

Tài Liệu tham khảo:

  • Bài Giảng của Ts. Bs  Trần Thúy Nga, Trưởng Khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng ;
  • Quyết định 4944/QĐ-BYT của Bộ Y tế ký ngày 27/11/2014 về việc ban hành “Hướng dẫn Quốc gia về Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng)

1Mason JB, Lotfi M, Dalmiya N, et al. Current Progress in the Control of Vitamin A, Iodine, and Iron Deficiencies. The Micronutrient Report.Ottawa, Canada, 2001.

2 Allen L, de Benoist B, Dary O, Hurrell R, eds. Guidelines on food fortification with micronutrients. Geneva: World Health Organization (WHO) and Food and Agriculture Organization (FAO) of the  United Nations; 2006.

3 Prof Robert E Black MD, Prof Cesar G Victora MD, Prof Susan P Walker PhD, Prof Zulfiqar A Bhutta PhD, Prof Parul Christian DrPH, Mercedes de Onis MD, Prof Majid Ezzati PhD, Prof Sally  Grantham-McGregor FRCP, Prof Joanne Katz ScD, Prof Reynaldo Martorell PhD, Prof Ricardo Uauy PhD, the Maternal and Child Nutrition Study Group. Maternal and child undernutrition and  overweight in low-income and middle-income countries. The Lancet . 3 August 2013; Vol. 382, Issue 9890: Pages 427-451.

4 Investing in the future: A united call to action on vitamin and mineral deficiencies. Global Report 2009, Micronutrient Initiative.

5 Guidelines for Food Fortification with Micronutrients, WHO/FAO, 2006.

6 Ending Undernutrition: Our Legacy to the Post 2015 Generation. Lawrence Haddad, IDS in partnership with the Children’s Investment Fund Foundation.

 

CN. Phạm Trầm An Khương – Phó Trưởng Khoa Dinh dưỡng, TT.KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang