Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Bệnh viêm gan vi rút b và cách phòng bệnh

01:52 27/07/2023

Viêm gan vi rút B (HBV) là căn bệnh lây lan lặng lẽ, tiến triển âm thầm nên một số bệnh nhân khi đến bệnh viện khám, xét nghiệm hầu như không biết mình mắc bệnh do đâu.

1. Đường lây truyền của bệnh HBV:

Lây truyền từ mẹ sang con: Người mẹ nhiễm HBV có thể dễ dàng lây truyền sang con (qua nhau thai, quá trình sinh nở). HBV tấn công thai nhi mạnh nhất là ở ba tháng cuối của thai kì.

Lây truyền qua đường tình dục: Tình dục là con đường lây nhiễm bệnh nhiều nhất ở những bệnh nhân mắc bệnh HBV hiện nay. Điều này có thể xảy ra ở những cặp vợ chồng, có chồng hoặc vợ nhiễm bệnh... Nếu quan hệ tình dục không được bảo vệ như: quan hệ tình dục bằng miệng, qua hậu môn, các dụng cụ đồ chơi tình dục đều có thể khiến bệnh lây nhiễm sang cho người bệnh lành tính khác.

Qua da và niêm mạc: Các dụng cụ xăm mình, kim chích, châm cứu nếu như được sử dụng từ người này sang người khác và không được thanh trùng kĩ lưỡng hoặc thanh trùng không được đảm bảo thì vẫn có thể chứa một lượng lớn HBV và lây nhiễm sang cho người bệnh lành tính khác.

Máu: Người bị lây nhiễm HBV qua đường máu có thể xảy ra trong những trường hợp: truyền máu, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật, tiêm chích xì ke…

2. Triệu chứng của bệnh:

Đối với viêm gan siêu vi B cấp: Ở thời kỳ tiền vàng da thường kéo dài 3-4 ngày, người bệnh mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn ói. Đôi lúc có những triệu chứng giống cảm cúm như: viêm họng, ho, sổ mũi, nhức đầu, đau cơ. Khi chuyển sang thời kỳ vàng da kéo dài 1-4 tuần và kèm theo những dấu hiệu: gan to, lách to, hạch to trong 15-20% trường hợp.

Đối với viêm gan siêu vi B mãn: Người bệnh thường không có triệu chứng gì điển hình, nhưng trong những trường hợp người bệnh đi khám sức khỏe định kỳ vô tình phát hiện mình bị bệnh HBV.

Bệnh HBV nếu phát hiện sớm điều trị sẽ nhanh và hiệu quả cao. Nếu bệnh để lâu thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn và cũng có thể phát sinh biến chứng xơ gan rồi dẫn đến ung thư gan. Bên cạnh đó bệnh có thể dẫn đến một số trường hợp nặng rơi vào thể suy gan tối cấp như: hội chứng thần kinh có thể rối loạn tri giác, lơ mơ, hôn mê; phù não; rối loạn đông máu; tổn thương đa cơ quan; suy hô hấp; loạn nhịp tim; hội chứng gan thận; xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng; gan teo…

Do đó, khi nhận thấy mình bị những triệu chứng nói trên, người bệnh nên nhanh chóng đến bệnh viện khám và làm các xét nghiệm kiểm tra để chẩn đoán đúng tình trạng bệnh và được tư vấn biện pháp điều trị phù hợp nhất.

3. Cách phòng bệnh:

Bất kỳ lứa tuổi nào, người nào cũng có thể nhiễm HBV. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm ngừa vắc xin viêm gan B đối với trẻ em và cả người lớn.

Ngoài tiêm phòng vắc xin có thể ngừa bằng cách như: sinh hoạt tình dục an toàn, không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, bông tai hoặc các dụng cụ khác có thể đã tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể; không chạm vào máu hoặc chất dịch của bất kỳ người nào mà không dùng dụng cụ bảo vệ…

Khi trẻ sinh ra đã có mẹ mắc bệnh cần được phòng ngừa ngay và được điều trị bằng globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG). Đây là các chất có các kháng thể của viêm gan B để giúp ngừa bệnh./.

Bs. Nguyễn Công Nghi - Phòng KH-NV, TTYT Châu Phú

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang