Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Bệnh dại và các biệp pháp phòng chống bệnh dại

01:36 18/08/2023

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Bệnh dại khi đã lên ơn thì tử vong rất cao, nhưng đã có vắc xin hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Người bị nhiễm vi rút dại sau khi thú bị bệnh dại cắn, bị cào sâu, thường là nước bọt dính vào dịch tiết, vùng da bị thương ở người. Bệnh dại do chó truyền bệnh cho người chiếm 99% các trường hợp và chiếm 95% các trường hợp tử vong. Thời kỳ ủ bệnh dại thường từ 1-3 tháng nhưng có thể thay đổi từ 1 tuần đến 1 năm, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như nơi mà virút xâm nhập hoặc lượng virút xâm nhập. Các triệu chứng ban đầu của bệnh dại gồm sốt cao, cảm giác ngứa ran, bị châm chích, nóng rát không rõ nguyên nhân ở vết thương. Bệnh dại có hai dạng biểu hiện:

- Thể hung dữ: bệnh nhân trở nên hung tợn, đập phá lung tung, nhanh chóng tiến tới hôn mê và tử vong hoặc kích thích vận động với biểu hiện: Co cứng, run rẩy tứ chi, co giật, co thắt họng và thanh-khí quản, gây triệu chứng sợ nước, chỉ nhìn thấy hoặc nghe thấy tiếng nước chảy cũng gây tăng co thắt họng và rất đau. Tình trạng co thắt này tăng lên mỗi khi có kích thích vào các giác quan như: luồng gió nhẹ, ánh sáng, ...Có thể có ảo giác, mất định hướng, vùng vẫy, cắn xé. Sốt tăng dần, vã mồ hôi, tăng tiết đờm dãi, biểu hiện bằng khạc nhổ, sùi bọt mép, rối loạn tim mạch và hô hấp.

Tất cả các triệu chứng trên xuất hiện thành từng cơn, ngày càng dày hơn, mạnh hơn. Bệnh nhân có thể có lúc tỉnh táo giữa các cơn. Các triệu chứng nặng dần lên, và tử vong trung bình sau 3 đến 5 ngày, do ngừng hô hấp và ngừng tim.

- Thể liệt: Ít gặp hơn. Lúc đầu có thể thấy đau nhiều vùng cột sống, sau đó xuất hiện liệt: Đầu tiên liệt chi dưới, sau đó rối loạn cơ vòng, rồi liệt chi trên. Khi tổn thương tới hành não, thì xuất hiện liệt thần kinh sọ, ngừng hô hấp và tuần hoàn. Tử vong sau 4 đến 12 ngày

Bệnh dại hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; tuy nhiên, hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

2. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

3. Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.

4. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.

5. Khi bị chó, mèo cắn cần:

- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút;

- Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại;

- Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod;

- Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương;

- Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời, vì chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại;

- Tiêm huyết thanh kháng dại: khi vết cắn rộng, sâu; nhiều vết cắn; vết cắn gần thần kinh trung ương hoặc vùng giàu mạng lưới thần kinh; vết liếm ở vùng da bị tổn thương hoặc niêm mạc; tình trạng con vật lúc cắn có biểu hiện nghi dại, hoặc mất tích, hoặc bị giết chết sau khi cắn, thì tiêm càng sớm càng tốt, tốt nhất là vào ngày đầu tiên khi bị chó, mèo cắn, cùng với tiêm vắc xin phòng dại.

- Tuyệt đối không tự chữa tại nhà, dùng thuốc nam để đắp, rắc vào vết thương./.

                                                                                                        YS. Nguyễn Minh Thời

                                                                                                   TTYT thị xã Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang