Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Phòng chống bệnh dại

08:52 19/08/2023

Bệnh dại là bệnh rất nguy hiểm đối với tất cả mọi người. Đây là một bệnh truyền nhiễm từ động vật mắc bệnh lây sang cho con người bằng các vết cắn, vết xước… và một thời gian ngắn sau con người sẽ lâm vào trạng thái mắc bệnh, lên cơn dại, rất nguy hiểm có thể tử vong.

Nguyên nhân gây bệnh dại:

Do các loài động vật nhiễm vi rút dại như chó, mèo…. rồi truyền nhiễm cho con người qua các vết cắn, vết xước…, và đây cũng chính là nguyên nhân chính có tỷ lệ lây nhiễm cho con người cao nhất.

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác có thể gây bệnh dại ở người nếu:

Bạn đi đến hoặc sinh sống ở những đất nước kém phát triển, nơi bệnh dại phổ biến, bao gồm các quốc gia ở Châu Phi và Đông Nam Á.

Những hoạt động tiếp xúc với động vật hoang dã mang mầm bệnh dại hoặc đi cắm trại nhưng lại không đề phòng việc chỗ ở có nhiều động vật hoang dã sinh sống hay không.

Làm việc trong môi trường có nhiều vi khuẩn dại như nhân viên phòng thí nghiệm, bác sĩ thú ý, huấn luyện động vật hoang dã.

Những dấu hiệu nhận biết:

Bệnh có rất nhiều biểu hiện, thời gian phát bệnh dài hay ngắn phụ thuộc vào vết cắn, vết cắn càng gần thần kinh Trung ương (đầu, mặt, cổ), vết thương càng nặng thì thời gian phát bệnh càng ngắn.

Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm. Ổ chứa vi rút dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngoài ra, vi rút dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.

Ngay khi vào cơ thể, vi rút dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. Mỗi ngày, vi rút dại di chuyển được “đoạn đường” từ 12-24mm. Ngay khi vi rút đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.

Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Cách xử trí khi bị động vật cắn: Khi bị động vật cắn kể cả đã tiêm phòng dại cũng nên xử lý ngay

Rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút dưới vòi nước sạch với nước xà phòng, sau đó sát khuẩn bằng cồn 450-700 hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.

Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. 

Tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn.

Theo dõi con vật, nếu sau 15 ngày con vật vẫn bình thường thì không phải bệnh dại.

Phòng chống bệnh dại:

Tuyên truyền tới từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, để người dân chủ động phòng chống bệnh cho bản thân và cộng đồng thực hiện các biện pháp quản lý và phòng bệnh trên đàn chó nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y, ký cam kết thực hiện 5 không:

Không nuôi chó mèo không tiêm phòng dại.

Không nuôi chó mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương.

Không nuôi chó thả rông.

Không để chó cắn người.

Không để chó mèo gây ô nhiễm môi trường.

Tuyên truyền cho những người có nguy cơ cao (động vật cắn, cào) hoặc nghi mắc bệnh dại thực hiện điều trị dự phòng bằng vắc-xin, huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Ds. Trần Văn Chí - TTYT Phú Tân

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang