Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Béo phì và bệnh tim mạch

03:27 20/09/2023

Béo phì theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới khi có chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥ 30 kg/m2, thừa cân khi BMI ≥ 25 kg/m2 và < 30 kg/m2. Tuy nhiên ở Châu Á, bao gồm Việt Nam, điểm cắt này là 24 kg/m2 đối với thừa cân, 28 kg/m2 đối với béo phì.

Theo thống kê Gánh nặng bệnh tật toàn cầu, tỷ lệ béo phì tăng gấp đôi từ năm 1980 đến 2015 ở 73 quốc gia và liên tục tăng ở hầu hết các quốc gia khác. Ước tính có 39 - 49% dân số thế giới (2,8 - 3,5 tỷ người) bị thừa cân hoặc béo phì.

Ngoài chỉ số BMI, béo phì còn được đánh giá bằng vòng eo, mỡ nội tạng. Vòng eo cao ở người có cân nặng bình thường vẫn có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn vì vòng eo là một chỉ số lượng mỡ cơ thể vùng bụng, có liên quan bệnh chuyển hóa và tim mạch. Một số khuyến cáo đề nghị vòng eo cần được phối hợp với BMI trong đánh giá lâm sàng.

Mỡ nội tạng được khảo sát dựa vào các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như CT scan, MRI. Các nghiên cứu cho rằng mỡ nội tạng là yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch. Mỡ nội tạng được quan tâm nhiều là mỡ màng ngoài tim hay quanh tim. Nghiên cứu Multi-Ethnic Study of Atherosclerosis ghi nhận mỡ quanh tim có liên quan nguy cơ cao bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch và suy tim. Các nghiên cứu cũng cho thấy độ dày mỡ quanh tim có liên quan vòng eo, huyết áp, tình trạng kháng insulin, rối loạn chuyển hóa lipid.

Liên quan giữa béo phì và bệnh tim mạch được ghi nhận rõ ở bệnh mạch vành, suy tim và rối loạn nhịp.

Béo phì tác động trên bệnh mạch vành thông qua cơ chế xơ vữa động mạch. Một nghiên cứu dịch tễ chứng minh rằng béo phì có liên quan nguy cơ mắc bệnh động mạch vành cao hơn. Ở mỗi mức BMI, chỉ số mỡ trung tâm, bao gồm vòng eo và tỷ lệ eo hông, cao hơn liên quan nguy cơ bệnh mạch vành và tử vong tim mạch cao hơn, kể cả người có cân nặng bình thường theo BMI. Mối liên quan giữa béo phì và bệnh mạch vành theo các nghiên cứu lớn do tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường và các bệnh đi kèm khác. Sự lắng đọng chất béo ở tạng, bao gồm màng ngoài tim, thượng tâm mạc cũng góp phần thêm vào gánh nặng xơ vữa mạch vành.

Ngoài những ảnh hưởng đến thượng tâm mạc mạch vành, béo phì có liên quan những bất thường trong vi mạch vành, một yếu tố chính điều chỉnh lưu lượng mạch vành. Bệnh vi mạch vành có liên quan rối loạn chức năng nội mô và có thể do tái cấu trúc mạch máu nhỏ; bệnh vi mạch có liên quan độc lập với BMI cao hơn và cung cấp tiên lượng độc lập nguy cơ tim mạch ở người béo phì.

Bên cạnh bệnh mạch vành, béo phì có liên quan với suy tim. Nhiều nghiên cứu đã xác định béo phì là một yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, bệnh mạch vành và phì đại thất trái, là những yếu tố nguy cơ cho tiến triển suy tim. Ngoài ra, béo phì còn tác dụng lên cả chức năng tâm thu và tâm trương thất trái. Nghiên cứu Framingham trên 5.881 người ghi nhận tỷ lệ suy tim tăng 5% ở nam giới, 7% ở nữ giới đối với mỗi 1 đơn vị BMI tăng sau hiệu chỉnh yếu tố rủi ro khác. Béo phì nội tạng có tác động cục bộ lên cơ tim, bao gồm gây phì đại tế bào cơ tim, xơ hóa cơ tim và kích hoạt phản ứng viêm liên quan thâm nhiễm đại thực bào và cytokine. Tích tụ chất béo ở nội tạng và các vị trí như màng ngoài tim, gan dẫn đến thể tích máu lưu thông cao hơn và kích hoạt các yếu tố gây viêm toàn thân, làm tăng thể tích nhát bóp, căng thành tim, tổn thương cơ tim, dẫn đến phì đại đồng tâm thất trái, tái tạo thất trái và cuối cùng là suy tim tâm thu và tâm trương. Các nghiên cứu gần đây cũng gợi ý rằng chỉ số BMI cao có liên quan chặt với nguy cơ suy tim phân suất tống máu bảo tồn hơn sơ với suy tim phân suất tống máu giảm.

Mối liên quan giữa béo phì và rối loạn nhịp tim cũng được nhấn mạnh, đặc biệt với đột tử do tim và rung nhĩ.

Có mối liên hệ giữa béo phì và đột tử do tim. Mỗi lần tăng 5 đơn vị BMI sẽ làm tăng 16% nguy cơ mắc đột tử do tim, và béo phì đã được xác định là nguyên nhân không thiếu máu cục bộ phổ biến nhất của đột tử do tim. Cơ chế có thể gồm phì đại thất trái, kéo dài khoảng QT, ngoại tâm thu thất, và rối loạn tự động tính. Cả béo phì nhẹ và nặng đều được báo cáo có liên quan nguy cơ cao nhịp nhanh thất/ rung thất và rối loạn điện thế muộn.

Các ước tính cho thấy béo phì có thể chiếm 1/5 các trường hợp rung nhĩ. Tăng cân và chỉ số BMI ở tuổi trung niên cao có mối liên quan biến cố rung nhĩ về sau. Mỗi 5 đơn vị BMI tăng gây nguy cơ tăng rung nhĩ khoảng 29%. Thừa cân và béo phì làm tăng nguy cơ rung nhĩ qua nhiều cơ chế gồm tái định dạng cấu trúc và điện học, góp phần phát triển chất nền gây loạn nhịp tim.

Điều trị béo phì quan trọng nhất là thay đổi lối sống. Đặc biệt với mỡ nội tạng, thay đổi lối sống có hiệu quả tương đương thậm chí hiệu quả hơn so với các phương pháp dùng thuốc. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tập thể dục 3 – 5 buổi mỗi tuần trong 12 – 52 tuần làm giảm mỡ nội tạng so với nhóm không tập. Các khuyến cáo hiện tại về hoạt động thể chất là cần 150 phút/ tuần để giúp giảm mỡ nội tạng, tập cường độ cao không vượt trội hơn tập luyện với cường độ vừa phải. Ngoài ra, chế độ ăn hạn chế calories cũng cho thấy giảm mỡ trong gan, màng tim.

Tóm lại, đánh giá nguy cơ tim mạch ở người béo phì cần xem xét các yếu tố chuyển hóa liên quan và phân bố mỡ trong cơ thể. Béo phì nên được xem là bệnh mạn tính và khi tiếp cận cần khảo sát các yếu tố nguy cơ tim mạch, đồng thời phải có chiến lược kiểm soát cân nặng./.

Bs. Nguyễn Hoàng Minh Phương – Bệnh viện Tim mạch An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang