Khi bị bệnh, nếu nhẹ người bệnh bị suy yếu cơ thể, thiệt hại về kinh tế do mất ngày công lao động, tốn tiền chữa bệnh, nếu bị nặng có thể tử vong. Trẻ em bị bệnh gây còi cọc, chậm lớn, suy dinh dưỡng; phụ nữ mang thai bị bệnh có thể sảy thai, tử vong, thai chết lưu, nguy hiểm tính mạng cả mẹ và thai nhi.
Muỗi là loài sinh trưởng chủ yếu ở trong các đầm lầy, ao hồ hoặc các vũng nước đọng, các dụng cụ chứa nước trong nhà như chum, vại, thùng, chai, lọ… Chỉ có muỗi cái mới hút máu và truyền bệnh. Vòng đời của muỗi gồm 4 giai đoạn: trứng, bọ gậy, lăng quăng và muỗi trưởng thành. Muỗi đẻ trứng xuống nước, trứng nở thành ấu trùng gọi là bọ gậy hay lăng quăng. Bọ gậy sống trong nước một thời gian, sau 5 đến 8 ngày phát triển thành nhộng, sau 2 đến 3 ngày thoát khỏi vỏ nhộng thành muỗi trưởng thành, bay lên khỏi mặt nước. Nhiệt độ thích hợp cho muỗi sinh trưởng và phát triển là khoảng 20 đến 250C. Vào mùa mưa, muỗi phát triển mạnh, nguy cơ lây truyền một số bệnh và bùng phát thành dịch lớn nếu không có biện pháp phòng chống. Vào khoảng thời gian từ tháng 4 – 11 do nhiệt độ, môi trường, độ ẩm thích hợp, muỗi có điều kiện đẻ trứng và thời tiết rất thuận lợi để trứng muỗi phát triển. Đặc biệt là hiện tượng biến đổi khí hậu cũng thúc đẩy muỗi sinh sản và gia tăng các bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền
Để phòng chống bệnh do muỗi truyền, trong thời gian qua Ủy ban nhân dân thị xã Tịnh Biên trực tiếp chỉ đạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động diệt loăng quăng/bọ gậy ở từng địa phương; duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy. Bên cạnh đó, công tác phòng chống các bệnh do muỗi truyền bằng phương pháp phun hóa chất cũng đã đạt được nhiều kết quả khích lệ. Từ đó, khống chế dịch bệnh do muỗi truyền ở các phường xã, không để dịch bùng phát và lan rộng, hạn chế tối đa số trường hợp mắc, bệnh nặng và tử vong.
Để tăng cường công tác phòng chống bệnh do muỗi truyền, ngành y tế Tịnh Biên thường xuyên đưa ra một số thông cáo trên hệ thống truyền thanh với những nội dung như sau:
- Tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo hình thức tiêm chủng thường xuyên
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy; súc rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân tủ đựng chén bát, thường xuyên thay nước bình hoa.
- Để phòng chống muỗi đốt cần mặc quần áo dài tay; ngủ mùng kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi; cho người bị sốt xuất huyết nằm trong mùng, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng chống dịch
- Khi bị sốt cần đến ngay y tế cơ sở để được khám và điều trị. /.
Bs. Lâm Thị Thanh Xuân - Trưởng khoa KSBT, TTYT thị xã Tịnh Biên
|