Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Hướng dẫn Dinh dưỡng cho người cao tuổi

08:35 01/11/2023

Tuổi càng cao thì cơ thể càng lão hóa, sự hấp thu các chất dinh dưỡng trở nên khó khăn hơn, đây cũng là yếu tố tác động đáng kể đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người cao tuổi. Hiện nay tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng, tuổi thọ ngày càng cao vì vậy người cao tuổi càng nhiều, do đó việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe người cao tuổi.

Bên cạnh đó, người cao tuổi còn mắc phải một số bệnh lý kèm theo và phải sử dụng thuốc điều trị lâu dài gây tác dụng phụ làm giảm cảm giác thèm ăn hoặc rối loạn tiêu hóa, táo bón, đầy hơi. Chính vì thế, người cao tuổi bị nhiều yếu tố tác động làm giảm đi sức khỏe hạn chế khả năng dinh dưỡng. Do đó người cao tuổi cần được bổ sung hợp lý các chế độ dinh dưỡng như sau:

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng, nhu cầu dinh dưỡng của người cao tuổi Việt Nam cần năng lượng từ 1700 đến 1900 kcal/ngày. Tổng năng lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày của người cao tuổi được cung cấp 68% từ ngũ cốc, 18% từ chất béo, 14% từ chất đạm. Cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm duy trì cân nặng phù hợp, ổn định, giữ chỉ số BMI từ 18,5 - 22,9.

Thức ăn dành cho người cao tuổi nên được nấu mềm, thái nhỏ nhằm dễ nhai, dễ nuốt, dễ tiêu hóa. Có thể chia thành nhiều bữa thay vì ăn cho 03 bữa chính. Người cao tuổi thích hợp với các món luộc, món hấp hơn các món chiên xào. Đồng thời bổ sung các chất xơ như rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc và sữa.

Để có bữa ăn lành mạnh và đầy đủ các chất, người cao tuổi cần lựa chọn các nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng và ăn theo chế độ khoa học và theo khuyến cáo của bác sĩ.

Đối với nhóm chất đạm: Chất đạm có nhiều trong thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, hải sản… Người cao tuổi có nhu cầu Protein từ 60 đến 70 gam/ngày. Đạm từ cá dễ tiêu hóa và giúp phòng ngừa các bệnh lý tim mạch, đặc biệt các loại cá chứa nhiều omega-3 như cá thu, cá hồi, cá ngừ. Đạm thực vật có lợi cho sức khỏe so với đạm động vật, đạm động vật có cholesterol trong máu nhiều hơn. Theo khuyến cáo FDA của Mỹ nên ăn ít nhất 25g đạm đậu nành/ngày để giảm các nguy cơ bệnh tim mạch và bệnh mãn tính. Vì vậy người cao tuổi cần hạn chế ăn thịt, tăng cường ăn cá và các thực phẩm giàu canxi như tôm, tép, cua, cá hạn chế các món chiên, nội tạng động vật.

Nhóm chất béo: Chất béo có trong bơ, dầu thực vật, dầu động vật. Người cao tuổi nên ăn một lượng chất béo vừa phải. Nên ưu tiên dùng chất béo có nguồn gốc từ thực vật như bơ, hạnh nhân, đậu phộng, dầu ô liu, dầu mè cùng các loại dầu thực vật khác vì chúng tốt cho những người mắc bệnh tim mạch và người tăng huyết áp.

Tinh bột: Người cao tuổi nên ăn lượng tinh bột vừa phải, nên giảm bớt cơm, bổ sung tinh bột từ các loại ngũ cốc nguyên cám, ngô, khoai, sắn.

Nhóm Vitamin và khoáng chất: Là nhóm dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe người cao tuổi nên ăn 300g rau xanh mỗi ngày và hoa quả tươi khoảng 100g. Trong rau xanh và trái cây còn chứa nhiều chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa, giúp giảm cholesterol, giúp hạ đường huyết, hạ huyết áp đối với những người tăng huyết áp.

Nước: giúp đào thải các chất cặn bã dư thừa có trong cơ thể, giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. Có thể uống các loại nước trà xanh, trà sen, nước lọc. Lượng nước uống mỗi ngày từ 1,5 lít đến 2 lít.

Đường: Là nguồn cung cấp năng lượng chính, chiếm 55 - 60% tổng năng lượng, trong đó nên dùng các loại đường ăn kiêng có chỉ số đường huyết thấp.

Tuy nhiên, người cao tuổi cần bổ sung thêm các nguồn dưỡng chất khác để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng đó là các axit amin thiết yếu chứa nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể như vitamin A, D, vitamin nhóm B, đây là thực phẩm bổ dưỡng cần thiết cho tất cả mọi người, kể cả người cao tuổi. Đối với người mắc bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường thì nên chọn loại sữa không béo, không đường.

Nhu cầu dinh dưỡng sẽ thay đổi khi chúng ta già đi. Người cao tuổi cần ít kcal năng lượng hơn vì ít hoạt động, ít tiêu thụ năng lượng nhưng vẫn cần đảm bảo dinh dưỡng cân bằng, theo khuyến cáo của Viện dinh dưỡng quốc gia nhu cầu năng lượng cho người cao tuổi chỉ khoảng 30kcal/kg/ngày. Dinh dưỡng tốt là điều cần thiết để giảm cholesterol, phòng tránh các bệnh thường gặp ở người cao tuổi như huyết áp, tiểu đường, tim mạch và loãng xương,…

Bên cạnh tư vấn về chế độ dinh dưỡng về phía y tế còn nâng cao công tác tuyên truyền vận động cho người cao tuổi thường xuyên luyện tập thể dục phù hợp độ tuổi để đảm bảo duy trì sức khỏe phòng tránh bệnh tật, khám sức khỏe định kỳ, thực hiện chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, hướng dẫn các kỹ năng tự chăm sóc bản thân để nâng cao sức khỏe, ưu tiên khám chữa bệnh, phổ biến tuyên truyền và cách nhận biết các loại bệnh thường gặp, tư vấn chăm sóc sức khỏe, khám sức khỏe miễn phí. Về phía gia đình cần quan tâm chăm sóc phụng dưỡng người cao tuổi, không xem người cao tuổi là gánh nặng. Về phía xã hội tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi sống vui sống khỏe tạo nhiều sân chơi bổ ích lành mạnh, khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động phong trào, văn hoá văn nghệ ở địa phương, tham gia sinh hoạt câu lạc bộ người cao tuổi, câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh.

Qua đó giúp cho người cao tuổi chú trọng đến những nguyên tắc dinh dưỡng, kế hoạch chăm sóc dinh dưỡng sao cho hợp lý, chế độ ăn uống cần đảm bảo đầy đủ nhằm duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. Điều này đòi hỏi sự cố gắng của người cao tuổi và sự ân cần, kiên nhẫn chăm sóc từ phía gia đình./.

Xuân Yên - Phòng Dân số -TTDGSK, TTYT Châu Phú

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang