Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Tập thở để sống khỏe

04:12 24/11/2023

Tập thở ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một việc làm quan trọng, nhân ngày phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính 16/11 chúng ta bàn về cách tập hô hấp dành cho người mắc bệnh phổi này.

Hiểu biết về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viết tắt là COPD, là nguyên nhân tử vong và gây tàn phế có ngày càng cao ở người lớn tuổi; trong 20 năm gần đây (2000 đến 2023) tỷ lệ tử vong do COPD tăng 64% (từ 40,7 lên 66,9/100.000). Tại Việt Nam, các ca COPD chiếm tỷ lệ  8% ở nam và 2% ở nữ từ 40 tuổi trở lên.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh phổi tiến triển ngày càng nặng và có thể đe dọa mạng sống người bệnh, bệnh gây ra khó thở, dẫn đến tình trạng ngày càng trầm trọng và gây các biến chứng nghiêm trọng. Các hoạt động hàng ngày sẽ trỏ nên khó thực hiện, chẳng hạn như đi lên cầu thang ngắn hoặc xách vali, và thậm chí các hoạt động nhẹ hàng ngày cũng khó khăn. COPD không thể chữa khỏi, nhưng điều trị có thể làm giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ tử vong.

Các triệu chứng thường gặp là ho mạn tính, kéo dài; có đờm trắng, màu vàng xám, màu xanh lá cây thậm chí đôi khi đờm kèm máu; nhiễm trùng đường hô hấp và tái đi tái lại; cảm lạnh; khó thở, thở gấp sức, thở gấp; ngực có cảm giác thắt chặt, đau; thở khò khè, mệt mỏi kéo dài; sốt nhẹ và có cảm giác ớn lạnh.

Nhiều trường hợp phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu: Khó thở đến nỗi không thể nói chuyện; móng tay, chân hoặc môi người bệnh chuyển màu xanh; nặng hơn bệnh nhân lơ mơ; nhịp tim nhanh, rất nhanh.

Khi có các dấu hiệu bệnh, chúng ta cần đi khám chuyên khoa sớm nhất để được chẩn đoán chính xác. Người bệnh cần thực hiện xét nghiệm chức năng phổi, đo hô hấp kế, chụp X-quang hay CT-scan ngực, khí máu động mạch để có kết luận.

Mục tiêu điều trị là giảm các triệu chứng của bệnh, đẩy lùi, làm chậm sự phát triển bệnh, cải thiện gắng sức, ngăn ngừa và điều trị biến chứng.

Các phương pháp điều trị được áp dụng là

- Sử dụng thuốc: Các loại thuốc giãn phế quản, long đờm giúp người bệnh thở dễ dàng, thuốc giãn phế quản giảm viêm phổi, cải thiện triệu chứng.

- Vắc xin phòng ngừa: Người bệnh sử dụng các vắc xin phòng cúm, thuốc chủng ngừa phế cầu, liệu pháp oxy.

- Phẫu thuật: Là phương pháp điều trị cuối cùng cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mà dùng thuốc không có hiệu quả, điển hình là ghép phổi.

Ngoài điều trị kiểm soát bệnh tốt thì hít vào, thở ra đúng cách được xem là chìa khóa để hạn chế biến chứng của bệnh.

Hít thở đúng cách sẽ khiến chúng ta cảm thấy dễ thở và hơi thở phát ra một cách nhẹ nhàng và yên tĩnh. Vùng bụng của bạn sẽ nở ra khi mỗi lần hít vào và co lại theo mỗi lần thở ra; thở bằng cơ hoành. Bạn cũng có thể cảm thấy xương sườn của mình mở rộng ra ở phía trước, hai bên và sau mỗi lần hít vào.

Tập thở có thể thực hiện tại nhà từ 5 đến 10 phút và 3 đến 4 lần mỗi ngày. Khi chúng tá đã quen với việc tập thở thì cơ thể sẽ cảm thấy khỏe mạnh, tự nhiên hơn. Tập thở thường có 2 bài thở cơ hoành và thở ho khạc.

1. Bài tập thở cơ hoành khi nằm:

Nằm ngửa, đầu gối cong và kê thêm một chiếc gối dưới đầu.

Đặt thêm một chiếc gối dưới đầu gối để hỗ trợ chân.

Đặt một tay lên ngực trên và tay kia đặt bên dưới khung xương sườn để bạn có thể cảm nhận được chuyển động của cơ hoành.

Hít vào từ từ bằng mũi, cảm thấy bụng căng ra áp sát vào tay.

Giữ bàn tay trên ngực của mình càng yên càng tốt.

Vận động cơ bụng và kéo chúng về phía cột sống khi thở ra bằng cách mím môi.

Một lần nữa, giữ yên tay trên ngực trên càng nhiều càng tốt.

Tiếp tục thở như vậy trong suốt thời gian bạn thực hiện bài tập.

2. Tập thở bằng cách ho khạc chủ động:

Sau khi đã thành thục kỹ thuật thở bằng cơ hoành khi nằm, chúng ta có thể thử kỹ thuật tập thở bằng cách ho khạc chủ động:

 Chuẩn bị hít thở bụng và chúm môi kết hợp 5 nhịp trước và sau khi ho.

 Hít vào sâu sau đó ép ngực và bụng thở mạnh ra gằn hơi để kích thích ho.

 Nhờ người vỗ lưng mỗi khi ho để giúp long đờm.

 Ho 3 - 5 lần hoặc khi mệt thì dừng lại.

 Ho khạc đến khi nào lấy được đờm ra thì ngưng.

 Mỗi ngày nên ho khạc đờm 1-2 lần ( buổi sáng và trước khi đi ngủ). Uống đủ nước để dễ khạc đờm.

3. Tập thở bằng cách vận động thể dục:

 Hàng ngày đi bộ nhanh (đi bộ nhanh nhất có thể nhưng không được chạy, không cần gắng sức quá mức).

 Thời gian đi khoảng 30 phút, vào thời gian mát mẻ buổi sáng hoặc buổi tối, khu vực thoải mái thoáng mát và an toàn.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh chữa không hết nên chúng ta cần tập thở để sống chung với bệnh./.

Ths.Bs Lê Minh Uy - Phó Giám đốc Trung tâm KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang