Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Phòng tránh các rối loạn do thiếu I-ốt

04:17 24/11/2023

Vào năm 2005, hơn 90% hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh và mức trung vị nồng độ i-ốt niệu ở phụ nữ có con dưới 5 tuổi nằm trong ngưỡng cho phép. Nghị định của Chính Phủ bắt buộc muối dùng cho người ăn phải là muối i-ốt (MI); đồng thời, đẩy mạnh hệ thống giám sát chất lượng MI để MI luôn đảm bảo chất lượng. Việt Nam đã đạt được hầu hết các chỉ tiêu chương trình i-ốt hoá và thanh toán tình trạng thiếu i-ốt trong phạm vi cộng đồng. Tuy nhiên, theo điều tra tình trạng thiếu i-ốt trên phạm vi Quốc gia (2008 và 2009) thì độ bao phủ MI đủ tiêu chuẩn phòng bệnh giảm xuống còn 70% và nồng độ i-ốt niệu cho thấy lượng i-ốt được ăn vào trong khẩu phần bị giảm. Báo cáo này sẽ phân tích những điểm mạnh và điểm yếu của chương trình và lý do tại sao so với năm 2005 chương trình lại đi xuống. Báo cáo cũng thảo luận những bài học rút ra từ quá khứ cũng như các kinh nghiệm có thể thu nhận từ chương trình của các nước khác trong khu vực nhằm giúp Việt Nam có thể xây dựng lại một chương trình hiệu quả, với khả năng duy trì bền vững hơn trong dài hạn.

I-ốt là nguyên tố vi lượng rất quan trọng mà cơ thể người cần được cung cấp thường xuyên, liên tục, nhưng cơ thể không tự tổng hợp được. Do không tự tổng hợp được nên con người cần cung cấp i-ốt thông qua nguồn thức ăn, đồ uống hàng ngày. Sự hấp thu và đào thải iốt của cơ thể rất đơn giản. Nếu dư thừa lượng i-ốt cơ thể sẽ tự động đào thải theo nước tiểu. Nhưng thiếu hụt lại gây ra những nguy cơ lớn về rối loạn nội tiết và bệnh tật.

   Trong mỗi giai đoạn phát triển của đời người, thiếu i-ốt sẽ gây nên tác hại khác nhau. Thiếu i-ốt trong thời kỳ bào thai có thể gây sảy thai, đẻ non, con đần độn, thiểu năng trí tuệ, bướu cổ sơ sinh. Thiểu năng trí tuệ và đần độn ở trẻ là tổn thương vĩnh viễn, không thể nào chữa được. Ở các lứa tuổi khác, thiếu i-ốt có thể gây nên bướu cổ và các biến chứng của nó như thiểu năng giáp, suy giảm khả năng lao động, ảnh hưởng đến phát triển sức khỏe. Thiếu i-ốt sẽ gây ra những hậu quả lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, sự phát triển của giống nòi và kinh tế - xã hội.

Sử dụng muối i-ốt là biện pháp chủ yếu để phòng, chống các bệnh tật rối loạn do thiếu i-ốt. Đây là phương pháp tiện lợi an toàn, rẻ tiền, dễ thực hiện. Có thể phòng tránh được bằng cách bổ sung một lượng i-ốt rất nhỏ vào bữa ăn qua việc sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường trong chế biến thức ăn hàng ngày. Ngoài ra, cũng có thể bổ sung i-ốt từ các loại hải sản vì những thực phẩm này rất giàu i-ốt.

Phòng ngừa thiếu hụt i-ốt                                                                             

Có nhiều biện pháp phòng chống thiếu i-ốt, một trong những biện pháp đó là bổ sung i-ốt vào muối ăn. Các nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho thấy đây là biện pháp phòng bệnh có hiệu quả nhất, đơn giản nhất và chi phí thấp nhất. Việc bổ sung i-ốt phải diễn ra thường xuyên đều đặn hàng ngày và trong suốt cả cuộc đời.

Nhu cầu i-ốt hàng ngày của một người bình thường là từ 150 đến 200 mcg i-ốt, còn ở phụ nữ mang thai hoặc cho con bú cần thêm 30 đến 50 mcg. Cơ thể con người không tự tổng hợp được i-ốt mà hoàn toàn phải cung cấp từ bên ngoài, chủ yếu từ lương thực, thực phẩm, một phần qua không khí và việc bổ sung i-ốt phải thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ trong một lần, một lúc, một giai đoạn.

Vì vậy, để phòng ngừa các rối loạn do thiếu i-ốt, người dân nên sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường trong ăn uống và chế biến thức ăn hàng ngày. Phải bổ sung i-ốt liên tục mới đảm bảo đủ nhu cầu i-ốt, không nên dùng một thời gian rồi dừng.

Việc bổ sung được thực hiện như sau:

- Đối với phụ nữ có thai cần 50mcg/ngày, sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường trong ăn uống và chế biến thức ăn hàng ngày là đủ nhu cầu i-ốt cung cấp cho thai nhi và phòng được các rối loạn do thiếu i-ốt. Dùng muối i-ốt thường xuyên hàng ngày không ảnh hưởng đến sức khỏe vì lượng i-ốt dư sẽ được thải ra ngoài theo nước tiểu.

- Với trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi cần 40mcg/ngày cho trẻ bú mẹ hoàn toàn thì người mẹ nên ăn nhiều thức ăn giàu i-ốt như trứng, cá, tôm, cua, thịt, sữa, hải sản, rong, tảo… và dùng muối i-ốt hoặc nước mắm có i-ốt để chế biến thức ăn. I-ốt có sữa là nguồn cung cấp cho trẻ khi bú mẹ. Với trẻ đã ăn dặm cần 50mcg/ngày thì cần bổ sung những thức ăn giàu i-ốt. Trứng và các thực phẩm từ sữa là một nguồn cung cấp i-ốt khá tốt. Ngoài ra, i-ốt cũng có nhiều trong hải sản như cá, tôm, cua và có nhiều trong các loại rau xanh.../.

Ys. Huỳnh Phú Hội – TTYT TP. Châu Đốc

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang