Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Hoạt động hưởng ứng ngày bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

03:55 29/11/2023

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng bệnh có rối loạn thông khí tắc nghẽn không có khả năng hồi phục hoàn toàn. Sự cản trở thông khí thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi do các phân tử hoặc khí độc hại. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh COPD là do hút thuốc lá, thuốc lào. Khoảng 15% số người hút thuốc có triệu chứng lâm sàng của COPD; 80 - 90% các bệnh nhân hút thuốc. Ngoài ra, việc tiếp xúc với bụi và hóa chất nghề nghiệp (hơi, chất kích thích, khói...) hoặc nhiễm vi rút, đặc biệt vi rút hợp bào hô hấp có khả năng làm tăng tính phản ứng phế quản, tạo cơ hội cho bệnh phát triển.

COPD ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân qua từng giai đoạn của bệnh. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân thường có ho, khạc đờm, khò khè, tức ngực kéo dài. Sau đó, xuất hiện khó thở, khó thở khi gắng sức, khi thay đổi thời tiết, nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên. Giai đoạn muộn hơn bệnh nhân xuất hiện khó thở khi gắng sức nhẹ, làm việc nhẹ và tần suất bị nhiễm trùng hô hấp cũng tăng lên. Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi từ 40 trở lên, người có tiền sử hút thuốc lá hoặc nghề nghiệp tiếp xúc khói bụi, ô nhiễm. Không ít trường hợp bệnh nhân mắc COPD nhập viện ở giai đoạn nặng. Khi đó người bệnh đã bị tình trạng tắc nghẽn đường thở kéo dài, lượng khí hít vào trong phế nang không được đẩy ra hết. Lượng khí tích tụ này ngày càng tăng làm phế nang căng giãn, mỏng dần và dễ vỡ, gây tràn khí màng phổi nguy hiểm đến tính mạng. Về lâu dài COPD làm giảm chất lượng cuộc sống nguy hại hơn là tử vong, tàn phế nếu không được điều trị kịp thời.

Những bệnh nhân mắc COPD phải đối mặt với các biến chứng làm suy giảm sức khỏe, chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ như bệnh lý tâm phế mạn (suy tim, loạn nhịp tim, đặc biệt là rung nhĩ...). Bệnh COPD không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát bệnh; từ đó, làm chậm sự phát triển bệnh, ngăn ngừa biến chứng.

Hiểu rõ được tầm quan trọng trong việc quản lý và dự phòng bệnh hen phế quản và COPD, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản thuộc Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số. Tại huyện Châu Thành, các hoạt động phòng chống bệnh hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã và đang được tích cực, chủ động triển khai nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh, tăng tỷ lệ người bệnh được phát hiện sớm, được điều trị; tăng cường năng lực của hệ thống y tế để thực hiện nhiệm vụ phòng, kiểm soát hen và COPD; góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Để thực hiện được các mục tiêu trên, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành đã đẩy mạnh công tác truyền thông tại đơn vị và cộng đồng, trong đó chú trọng vào tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh, tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh; tổ chức tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho công tác dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh COPD và hen phế quản; bảo đảm thuốc và vật tư cho công tác dự phòng, khám sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị, theo dõi và quản lý lâu dài người bệnh tại y tế cơ sở. Hằng năm, tổ chức các đợt khám sàng lọc, phát hiện bệnh nhân hen, COPD giai đoạn sớm để đưa vào quản lý, điều trị kịp thời./.

Nguyễn Trường Duy - Trung tâm Y tế Châu Thành

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang