Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Nhận biết sớm và điều trị đậu mùa khỉ

02:16 05/12/2023

Bệnh đậu mùa khỉ (Monkey pox) là một bệnh truyền nhiễm hiếm gặp, bệnh gây ra khi nhiễm phải vi-rút đậu mùa khỉ. Vi-rút đậu mùa khỉ có hai chủng chính là Congo và Tây Phi. Trong đó chủng Congo thường gây bệnh nặng hơn, với tỷ lệ tử vong khoảng 10%, và chủng Tây Phi là khoảng 1%.

Đây là bệnh hiếm gặp ở người, nhưng đã và đang bùng phát ở gần 80 quốc gia trên thế giới với diễn biến vô cùng phức tạp. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra những cảnh báo về nguy cơ bùng phát mạnh căn bệnh này trên toàn thế giới. Hiện bệnh đã xuất hiện ở nhiều nước như Anh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha,… Tại Việt Nam, hiện ghi nhận 58 ca.

Đậu mùa khỉ lây qua đường nào?

Hiện nay, động vật gặm nhấm là nguồn lây chính. Tại châu Phi, vi-rút đậu mùa khỉ được tìm thấy ở nhiều loại động vật khác như sóc, chuột,… Người lành có thể nhiễm vi-rút đậu mùa khỉ thông qua 3 con đường chính:

· Vi-rút đậu mùa khỉ xâm nhập vào cơ thể qua các tổn thương (vết cắn hoặc vết xước) của động vật mang vi-rút.

· Ăn thịt chưa nấu chín kỹ và sử dụng các sản phẩm từ động vật bị nhiễm bệnh.

· Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc chạm vào giường, quần áo bị ô nhiễm.

Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ

Giai đoạn đầu tiên là vi-rút xâm nhập, kéo dài từ 0-5 ngày, triệu chứng đặc trưng là sốt, nhức đầu dữ dội, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau lưng đau cơ và suy nhược cơ thể (thiếu năng lượng). Nổi hạch là điểm khác biệt của đậu mùa khỉ so với những bệnh khác, có biểu hiện ban đầu tương tự như thủy đậu, sởi, đậu mùa thông thường.

Giai đoạn thứ hai là phát ban trên da, thường biểu hiện trong 1-3 ngày kể từ khi bệnh nhân bị sốt. Phát ban có xu hướng tập trung nhiều ở mặt và tứ chi hơn là thân. Phát ban tiến triển tuần tự, từ việc rát da (chưa nổi mẩn) đến sẩn ngứa (các nốt mẩn nhô cao), sau đó là mụn nước (tổn thương chứa dịch bên trong) và mụn mủ (tổn thương chứa dịch vàng).

Một số triệu chứng đặc hiệu giúp phân biệt bệnh đậu mùa thông thường và bệnh đậu mùa khỉ: Đậu mùa khỉ khiến các hạch bạch huyết sưng lên. Khi người bệnh bị sốt, đặc trưng của vi-rút đậu mùa khỉ là phát ban khó chịu, khởi phát sau 1-3 ngày. Các vết phát ban thường bắt đầu ở mặt, sau đó lan sang những bộ phận khác của cơ thể. Cuối cùng, các vết thương đóng vảy trước khi rụng hết và khỏi bệnh, để lại sẹo. Các triệu chứng có thể tồn tại hơn 4 tuần mới hồi phục, nhưng thường biến mất sau 2 tuần. Da của người mắc bệnh sẽ hình thành sẹo do tổn thương.

Phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ

Cho đến hiện nay vẫn chưa có hiện chưa có vắc xin đặc trị cho bệnh đậu mùa khỉ, vắc xin phòng bệnh đậu mùa có hiệu quả tới 85% trong tiêu diệt vi-rút bệnh đậu mùa khỉ. Vì vậy, tiêm vắc xin đậu mùa được xem là cách hiệu quả, đơn giản nhất ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ.

Ngoài vắc xin và chủng ngừa, có thể thực hiện các biện pháp đơn giản để tránh được nguy cơ lây nhiễm bằng cách:

· Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt sau khi tiếp xúc với động vật, ăn chín uống chín,…

· Tránh tiếp xúc trực tiếp với các loài gặm nhấm, động vật linh trưởng hoặc các động vật hoang dã.

· Tránh tiếp xúc với bất kỳ đồ vật nào, chẳng hạn như giường, nơi có con vật bị bệnh.

· Tránh tiếp xúc với người bệnh bị nhiễm.

· Nhân viên y tế cần đeo khẩu trang và găng tay khi tiếp xúc với người bệnh./.

Bs. Dương Quốc Hiền - Bệnh viện ĐKTT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang