Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Phòng bệnh trong mùa đông

03:27 18/12/2023

Mùa đông thời tiết khô hanh, nhiệt độ giảm tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh phát triển, nguy cơ các vấn đề sức khỏe tăng lên, đe dọa đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người. Các bệnh mùa đông thường gặp như:

1. Cảm lạnh: Khi mùa đông đến, thời tiết thay đổi thường nên dễ gây bệnh cảm lạnh, nhất là vào những ngày mưa. Các triệu chứng như: Sốt nhẹ, sợ lạnh và gió, đau đầu, ngạt mũi, chảy mũi, người đau ê ẩm...

Cần vệ sinh sạch sẽ và tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang mắc bệnh. Ngoài ra, cần nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, và nhớ uống nhiều nước là tốt nhất.

2. Bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp:

Các bệnh đường hô hấp hay gặp nhất là viêm mũi xuất tiết, viêm họng cấp, viêm VA (Vegetation Adenoide), viêm amidan cấp hoặc hốc mủ, viêm xoang... Các triệu chứng thông thường là sốt, chảy nước mũi, ngạt mũi, ho, nhiều đờm…

Cần mặc đủ ấm khi đi đường, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, tránh các nơi có khí than, khói bụi, khói thuốc lá,… Đối với trẻ có triệu chứng trên, có thể điều trị bằng các vị thuốc tự nhiên: lá húng chanh, lá xương xông, bạc hà, trái chanh, trái hạnh,…

3. Các bệnh về phổi: Đối với những người đã có tiền sử bị hen suyễn thì bệnh về phổi rất dễ tái phát bệnh. Vì phế quản của họ thường nhạy cảm hơn với các kích thích gây bệnh như: bụi bặm, ký sinh vật, phấn hoa, lông chó mèo,... Để phòng tránh bệnh phải loại trừ được các yếu tố dị nguyên gây kích thích.

Khi đi ra ngoài phải giữ ấm cẩn thận, tránh lạnh, tránh gió... nếu nhận thấy có các triệu chứng như: ho nhiều, sốt cao kéo dài hoặc khó thở... thì cần đưa bệnh nhân đi khám ngay để được điều trị kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.

4. Bệnh về da: Vào mùa đông, trời lạnh khiến da giảm tiết mồ hôi và các chất cặn bã, không khí hanh khô là nguyên do làm da bị mất nước nhiều hơn. Da thường có các biểu hiện như bị khô, nứt nẻ, bong vảy.... Thông thường khi da bị nứt kèm theo triệu chứng ngứa mà khi ngứa thì bạn sẽ không thể bỏ cưỡng lại được mà phải gãi, chính việc làm của bạn đã làm cho da bị trầy xước, chảy máu.

Nên uống nhiều nước thậm chí uống nhiều hơn bình thường, tránh tắm nước quá nóng, chỉ cần ấm ấm là đủ, nên dùng các loại sữa tắm, kem dưỡng có độ ẩm cao sẽ giúp da đỡ khô hơn.

5. Viêm đa khớp dạng thấp: là một trong các bệnh mùa đông thường gặp, nhất là ở những người lớn tuổi. Triệu chứng của bệnh là: viêm khớp cổ tay, khớp bàn tay, khớp đốt ngón tay, khớp cổ chân,...

Để phòng ngừa đau khớp, điều quan trọng là phải mặc đủ lớp và giữ nhiệt cho cơ thể càng nhiều càng tốt. Khăn quàng cổ, găng tay, mũ len và tất là rất cần thiết để bảo vệ đầy đủ khi ra ngoài trời. Những đợt hoạt động thể chất nhỏ trong suốt cả ngày cũng giúp ích cho bệnh nhân viêm khớp.

6. Bệnh cúm: Cúm lây qua đường hô hấp, các giọt nước bọt bắn hay dịch tiết mũi họng của người bệnh do ho, hắt hơi. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Để phòng bệnh, người dân cần chú ý thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đầy đủ. Tiêm vắc xin (không bao giờ là quá muộn để tiêm phòng cúm).

7. Đau dạ dày do lạnh: Thời tiết lạnh thường hay bị đau dạ dày. Trong khi chưa có phương pháp hữu hiệu ngăn chặn viêm loét bao tử, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách chăm sóc bản thân để tăng sức đề kháng. Hàng ngày, làm những việc khiến bạn cảm thấy bớt căng thẳng như tắm nóng, đi bộ trong công viên hoặc xem một trong những bộ phim yêu thích của bạn.

Nhiều người chủ quan cho rằng các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, hắt hơi… chỉ là triệu chứng bệnh thông thường nên chỉ điều trị tại nhà. Tuy nhiên, các trường hợp nhiễm trùng cấp tính nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ tiến triển nhanh cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác, đe dọa tính mạng, không nên chủ quan khi mắc một trong các bệnh mùa đông./.

CN. Mai Thị Bích Chinh - Tổ TTGDSK. TTYT Chợ Mới

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang

Hình ảnh