Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Hãy cẩn trọng với bác sĩ trên mạng xã hội

08:08 20/02/2024

Ở thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, việc lên mạng tìm kiếm thông tin cần thiết đã trở thành thói quen của không ít người, trong đó có những thông tin về sức khỏe. Hiện nay ngành y cũng đã áp dụng công nghệ thông tin để khám, chữa bệnh từ xa cho người dân. Vì vậy, các nền tảng mạng xã hội là nơi phổ cập kiến thức, truyền tải thông tin y tế, khuyến cáo phòng, chống bệnh tật đến người dân rất nhanh chóng và hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện tượng “bác sĩ mạng” trong thời gian qua khá phổ biến trên mạng xã hội. Từ những bài thuốc gia truyền chữa các bệnh hiểm nghèo  như trị các dạng ung thư ở giai đoạn cuối. Sau một thời gian uống thuốc nhiều người phải nhập viện do suy gan, suy thận; đến các loại thuốc có khả năng trong chữa mất ngủ, suy nhược, yếu sinh lý, giúp quý ông, quý bà hồi xuân... đều được quảng cáo hết sức thần kỳ. Đã có không ít người tiền mất tật mang, khi mua các sản phẩm thuốc mập mờ vì tin theo những quảng cáo, những thông tin y học đầy tính khoa trương ấy. Cùng với đó, còn có các tin giả, kiến thức sai lệch liên quan đến y học, khoa học dinh dưỡng; nhiều bài viết còn đi xa hơn, khéo léo pha trộn một ít kiến thức y học hiện đại với một ít kiến thức y học cổ truyền, một chút kinh nghiệm đời thường, có khi pha thêm một chút tâm linh, tạo ra những lập luận mập mờ, dễ thuyết phục những người không có chuyên môn. Đơn cử có một thông tin lan truyền trên mạng, người bị ung thư nên chọn chế độ ăn gồm gạo lứt, muối mè để bỏ đói tế bào ung thư nhằm hạn chế sự phát triển, thậm trí khỏi bệnh; hậu quả là phải nhập viện cấp cứu vì cơ thể bị suy kiệt. Ngoài ra, nhiều clip được đăng tải trên một số trang mạng đã sử dụng công nghệ giả mạo khuôn mặt, giọng nói… để tạo ra đoạn video có hình ảnh khuôn mặt nhân vật giống hệt các bác sĩ có uy tín của các bệnh viện lớn trên cả nước như trường hợp một BS ở Bệnh viện Nhi đồng, bị sử dụng hình ảnh quảng cáo cho sản phẫm “Tăng chiều cao VinMac”. Điều đáng nói, đây là hình ảnh cắt ghép trong một lần BS này trả lời phỏng vấn báo chí.

Theo ước đoán của các chuyên gia, có đến 60%-70% các bà mẹ trước khi đưa con đến cơ sở y tế đã tùy tiện cho trẻ uống một loại thuốc nào đó mà theo họ là kinh nghiệm từ những lần điều trị trước, tư vấn của bạn bè hoặc của cộng đồng mạng. Điều đáng lo ngại là có đến 25% tự chẩn đoán bệnh sai và mua thuốc để tự chữa trị không đúng cách, 10% bị tác dụng phụ sau khi tham khảo thông tin trực tuyến. Thậm chí, có tới khoảng 50% số người tự chẩn đoán bệnh, mua thuốc không rõ nguồn gốc để chữa trị. Hệ lụy là đã có không biết bao nhiêu bệnh nhân đã tiền mất tật mang, thậm chí phải đánh đổi cả mạng sống do không được chữa bệnh đúng cách và kịp thời khi tin vào các quảng cáo tuyệt vời trên mạng.

Theo giới y khoa, các nguồn tin chính thống là các kết luận của các hội chuyên ngành như hội tim mạch, hội nội tiết, hội tiêu hóa... khi ta cần tìm hiểu các kiến thức về lĩnh vực đó thì nên vào các trang hội chuyên ngành này tìm đọc. Nguồn tin chính thống tiếp theo là các bài báo của các tạp chí y học. Các tạp chí tên tuổi này có quá trình xét duyệt bài rất kỹ lưỡng, nên những bài viết được đăng trên tạp chí cung cấp các thông tin có chất lượng cao về các lĩnh vực y khoa. Còn một nguồn tin y học nữa là trang web của các bệnh viện, chuyên mục sức khỏe của các báo lớn. Các bài viết ở đây cũng do các nhà chuyên môn phụ trách, nên tương đối chính xác và dễ hiểu đối với cộng đồng.

Theo quy định của Bộ Y tế, các bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội.  Nếu nghi ngờ bản thân có dấu hiệu bệnh tật phải đến các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị. Cuối cùng, ta phải nhận thức rõ sức khỏe là vốn quý của mỗi người, không thể áp dụng một biện pháp, loại thuốc nào tùy tiện khi chưa được thăm khám, có chỉ định của bác sĩ. Tên thực tế “mạng” cũng đã giúp nhiều người bổ sung kiến thức về chăm sóc sức khỏe, giảm lo lắng trước khi tìm đến lời khuyên thích hợp từ thầy thuốc. Tuy nhiên, kiến thức trên mạng chỉ để tham khảo hoặc để biết được bệnh gì đó thì khám ở đâu, bệnh viện nào để đến khám bệnh và điều trị bệnh hiệu quả. Đặc biệt, không nên tìm hiểu quá nhiều và thực hiện theo thông tin y học trên  mạng, vì nó sẽ gây hoang mang dẫn đến cách điều trị sai lệch, gây nguy hiễm đến tính mạng./.

                                                                                           YS. Nguyễn Minh Thời

                                                                                              TTYT thị xã Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang