Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Lịch sử- ý nghĩa của ngày Quốc tế Hạnh phúc

03:59 20/03/2024

Ngày Quốc tế Hạnh phúc đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chính thức quyết định khi tất cả 193 quốc gia thành viên nhất trí thông qua nghị quyết A/RES/66/281 ngày 20 tháng 6 năm 2012. Bắt đầu ngày 20 tháng 3 từ năm 2013 sẽ được tổ chức kỷ niệm thường niên, gọi là Ngày Quốc tế Hạnh phúc của nhân loại trên thế giới.

Hạnh phúc là điều ai cũng hướng tới, tìm kiếm, mỏi mong có được. Và, hạnh phúc, đối với mỗi người hoàn toàn không giống nhau, cách gọi tên hạnh phúc khác nhau do hoàn cảnh sống sai biệt và do cách nhìn về cuộc sống không như nhau. Có người có cơm no, áo lành là hạnh phúc vô bờ, Nhưng có người là phải cơm ngon, mặc đẹp thì mới được gọi là hạnh phúc. Có người sống là hạnh phúc, người khác chết có khi hạnh phúc hơn, dẫu làm người ai cũng mong được sống, sợ sự chết. Người xưa nói, ở trong chăn mới biết chăn có rận. Đôi khi ta nhìn thực thể mà mình chưa có, tự nghĩ nếu có rồi chắc sẽ hạnh phúc lắm đây. Nhưng, nghe người có rồi giãi bày mới thấy họ bất hạnh hơn mình. Oái ăm của cuộc sống là như thế, có cái người này muốn lại được sắp cho người kia và ngược lại, khiến hai người nhìn nhau, thèm thuồng điều người kia đang có. Nhưng để có hạnh phúc thì mỗi người chúng ta phải sống "có trách nhiệm" từ trong gia đình đến xã hội, không vô cảm trước mọi hoàn cảnh, tình huống khó khăn, éo le, trắc trở. Trong gia đình, mỗi người phải làm tốt danh vị, bổn phận của mình; bảo đảm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ; biết vươn tới đỉnh cao cuộc sống, nung nấu ý chí tiến thủ để làm giàu cả về tri thức và kinh tế cho gia đình. Gia đình với tư cách là một tế bào của xã hội cần phải thực hiện tốt chức năng giáo dục, xã hội hóa các thánh viên trong gia đình mình, xây dựng thiết chế, những giá trị đạo đức và truyền thống của từng gia đình. Chỉ khi trong gia đình bố mẹ yêu thương con, con kính trọng và thương yêu bố mẹ, biết giúp đỡ mọi người; chỉ khi trong gia đình mọi người sống vì nhau, đoàn kết thương yêu lẫn nhau, thì lúc đó mối quan hệ giữa các thành viên mới bền chặt. Giáo dục gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người, đặc biệt là trẻ em. Những trẻ em không được giáo dục toàn diện trong gia đình sẽ dễ dàng bị lôi kéo vào con đường phạm tội và tệ nạn xã hội. Trong những gia đình, những người lớn như cha mẹ, ông bà không gương mẫu, có những hành vi phi pháp sẽ là môi trường tiêm nhiễm dẫn đến phạm tội và tệ nạn xã hội cho trẻ em.

Đối với mỗi người khác nhau, hạnh phúc có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta đều công nhận rằng, hạnh phúc nghĩa là làm việc để chấm dứt xung đột, nghèo đói và các điều kiện không may mắn khác và rất nhiều người trong chúng ta hiện đang phải sống trong các điều kiện đó. Hạnh phúc không phải là điều phù phiếm, cũng không phải là điều gì xa xỉ. Nó là khát khao sâu xa của mọi thành viên trong gia đình, Của cộng đồng xã hội. Hạnh phúc không từ chối một ai và phải là của tất cả mọi người. Như vậy, mỗi con người cần suy gẫm, làm gì để góp phần làm cho giá trị ngày này càng thêm có ý nghĩa trong đời sống. Nhưng trước hết là ngay chính bản thân mình, gia đình mình thực sự có hạnh phúc thì mới góp phần mang lại hạnh phúc cho mọi người

Với chủ đề: “Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia hạnh phúc”;  Ngày Quốc tế hạnh phúc là nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam, nâng cao nhận thức của toàn xã hội. Từ đó có hành động cụ thể, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc; chia sẻ, giúp đỡ nhau thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam hướng tới xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, và tiến bộ vì hạnh phúc và thịnh vượng chung toàn xã hội./.

                                                                                                     Nguyễn Minh Thời

                                                                                                       TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang