Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Bệnh tăng huyết áp và biện pháp phòng, chống

01:53 15/05/2024

Tăng huyết áp (THA) là bệnh lý tim mạch nguy hiểm được xem như “kẻ giết người thầm lặng” vì toàn bộ sự tiến triển của bệnh thường diễn ra âm thầm không có triệu chứng cảnh báo trước. Huyết áp được xác định dựa trên 2 chỉ số (huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương). Theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, huyết áp đạt dưới 120/80mmHg được coi là mức bình thường. Khi huyết áp luôn ở mức từ 140/90mmHg trở lên thì được xem là THA.

Bệnh THA thường gây nhức đầu, nặng đầu, chóng mặt, nóng phừng mặt, mỏi gáy. Tuy nhiên, có khoảng 1/3 trường hợp người bệnh không có dấu hiệu, bệnh chỉ được phát khi đo huyết áp tình cờ hay khám sức khỏe tổng quát hoặc có biến chứng nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay suy thận mạn giai đoạn cuối. Bệnh THA cũng không xác định được nguyên nhân, triệu chứng gây bệnh. Một số yếu tố nguy cơ được cho là làm gia tăng tình trạng cao huyết áp, bao gồm: yếu tố nguy cơ có thể thay đổi và yếu tố nguy cơ không thể thay đổi.

Những yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp có thể thay đổi được

- Huyết áp tăng do thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Do hút thuốc lá gây ra tình trạng co mạch và tăng xơ vữa động mạch; Uống rượu nhiều khiến huyết áp tăng đột ngột; Ít vận động, thường xuyên bị stress, căng thẳng quá mức.

 - Người bệnh bị mắc các bệnh lý nền: Mắc bệnh thận, bệnh nội tiết; Bị các bệnh về mạch máu và tim; Bị nhiễm độc thai nghén; 

- Do chế độ ăn uống: Khẩu phần ăn có quá nhiều chất béo gây béo phì, thừa cân; Hàng ngày đưa vào cơ thể quá nhiều muối.

- Những trường hợp sử dụng thuốc chưa hợp lý… đều có nguy cơ bị tăng huyết áp.

Những yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp không thể thay đổi được

- Yếu tố tuổi tác: Người cao tuổi thường dễ bị tăng huyết áp do tuổi càng cao thì thành động mạch bị lão hóa và xơ vữa, khiến cho khả năng đàn hồi giảm;

- Yếu tố giới tính: Ở độ tuổi dưới 45 tuổi, nam giới mắc bệnh lý tăng huyết có tỉ lệ cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, sau tuổi 45 thì tỉ lệ này giữa nam và nữ là cân bằng. Đến độ tuổi trên 65 thì tỉ lệ nữ giới bị tăng huyết áp lại cao hơn ở nam giới.

- Tăng huyết áp do di truyền: Theo số liệu thống kê của một số nghiên cứu thì tăng huyết áp có thể có yếu tố di truyền. Nếu một người mà trong gia đình có bố mẹ, ông bà bị bệnh tăng huyết áp thì người đó cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này.

Để phòng bệnh tăng huyết áp, ta cần thực hiện thực hiện một số giải pháp sau:

- Chế độ ăn lành mạnh: ít chất béo; ăn nhiều trái cây, rau, củ, quả, hạt và các sản phẩm từ sữa ít béo, ăn cá, thịt gia cầm loại bỏ da… đây là những thực phẩm người bị cao huyết áp nên ăn.

- Giảm lượng muối ăn vào, giảm ăn thịt mỡ, thức ăn đóng hộp, thức ăn nhanh.

- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, tăng cường tập thể dục ra mồ hôi để ổn định huyết áp, giảm cân, giảm stress

- Hạn chế uống rượu, bia, không hút thuốc lá và tránh khói thuốc

- Người lớn từ 40 tuổi trở lên cần khám tổng quát và kiểm tra huyết áp định kỳ để phát hiện sớm những mối nguy cơ có thể điều chỉnh được;

Trong trường hợp huyết áp ≥ 180/120 mmHg kèm một trong các dấu hiệu sau: co giật, lừ đừ, nhìn mờ, nôn ói, hôn mê, khó thở, đau tức ngực dữ dội cần đưa đến bệnh viện cấp cứu./.

                                                                                                   Nguyễn Minh Thời

                                                                                                      TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang