Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Hỏi đáp về bệnh sốt xuất huyết

04:23 10/06/2024

HỎI: Xin cho biết sốt xuất huyết  là bệnh gì?

TRẢ LỜI:

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn chích người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết chích. SXH xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Bệnh hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc có thể gây tử vong nhất là với trẻ em. Bệnh SXH có 4 típ gây bệnh, một người có thể mắc nhiều lần do nhiễm các typ vi rút khác nhau.

HỎI: Khi bị mắc SXH thường có biểu hiện như thế nào?

TRẢ LỜI:

Biểu hiện của bệnh SXH  thường sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, đau người, các khớp, buồn nôn, phát ban,  xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, ra kinh nguyệt bất thường, xuất huyết tiêu hóa…. Khi có các dấu hiệu nguy hiểm sau: Mệt mỏi bất thường, nhiệt độ hạ nhanh dưới 36C; da xanh, lạnh và ẩm; Chảy máu mũi hoặc chảy máu lợi, có nhiều nốt xuất huyết trên da, nôn liên tục hoặc nôn ra máu, đi ngoài phân đen, đau bụng, ngủ li bì hoặc quấy khóc (trẻ em). Đó là trường hợp diễn biến nặng cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

HỎI: Cần làm gì khi chăm sóc trẻ mắc SXH tại nhà?

TRẢ LỜI:

Khi trẻ bị bệnh cần được theo dõi và hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể từ 38,5 độ C trở lên bằng Paracetamol, lau người bằng nước ấm khi sốt cao; Uống nhiều nước : dung dịch Oresol, nước trái cây…; Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu: như cháo, súp, sữa, thực phẩm giàu vitamin C; không cho uống nước có màu sẩm; nghỉ ngơi tại giường. Theo dõi hàng ngày các triệu chứng cho đến khi sau hết sốt  2 ngày.

 HỎI: Nghe nói hiện nay đã có vaccine phòng SXH , xin cho biết một số thông tin ?

TRẢ LỜI

Vaccine ngừa sốt xuất huyết do Takeda (Nhật Bản) sản xuất có tên thương mại là Qdenga đã được phê duyệt, Bộ Y tế cấp phép lưu hành dự kiến sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng trong nước bắt đầu từ tháng 9/2024. Theo thông tin của nhà sản xuất, vaccine Qdenga có thể bảo vệ chống lại cả bốn type huyết thanh của vi rút Dengue (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4), được chỉ định để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở những người từ 4 tuổi trở lên. Đặc biệt ở những khu vực có bệnh sốt xuất huyết lưu hành mà không cần xét nghiệm để xác định tình trạng nhiễm hay không nhiễm với siêu vi Dengue trước đó. Lịch tiêm gồm 2 liều, cách nhau 3 tháng. Các nghiên cứu cho thấy vaccine Qdenga có hiệu quả khoảng 84% trong việc ngăn ngừa người bệnh nhập viện vì sốt xuất huyết và hiệu quả khoảng 61% trong việc ngăn chặn các triệu chứng. Hiệu lực và thời gian bảo vệ lên đến 4,5 năm sau liều thứ 2. Tuy nhiên, liều nhắc lại để tăng cường miễn dịch chưa được khuyến cáo. Sau khi tiêm, một số người có thể gặp phải các tác dụng phụ nhẹ như đau, sưng tại chỗ tiêm và sốt nhẹ.

HỎI: Hiện nay đã bước vào mùa mưa, tình hình bệnh SXH có thể bùng phát, vậy ta cần làm gì để tăng cường phòng chống?

TRẢ LỜI:

Để tăng cường phòng chống SXH ta cần thực hiện theo các khuyến cáo sau:

1. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn  để diệt lăng quăng/bọ gậy.

- Lau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, chum, xô chậu…) hàng tuần.

- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

- Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân tủ đựng chén bát, thay nước bình bông.

2. Phòng chống muỗi đốt:

- Mặc quần áo dài tay.

-  Ngủ trong mùng kể cả ban ngày.

- Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

-  Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

- Cho người bị SXH nằm trong mùng, tránh muỗi đốt để phòng lây lan cho người khác.

Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch./.

                                                                                       Nguyễn Minh Thời

                                                                                          TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang