Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Biểu hiện và cách phòng bệnh bạch hầu

09:40 19/07/2024

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, bệnh có thể dẫn đến tử vong. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

Bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua đồ dùng, đồ chơi, thức ăn nhiễm mầm bệnh. Người mắc bệnh có các biểu hiện như: Sốt, đau họng, viêm họng, mũi, thanh quản với biểu hiện họng đỏ, nuốt đau, da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ người bệnh.       

Người bệnh khi khám thấy giả mạc trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh vùng viêm, nếu bị bong tróc ra sẽ bị chảy máu. Vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết.

Bạch hầu thanh quản là thể bệnh bạch hầu nặng nhất ở trẻ em với biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc. Bên cạnh đó, còn có biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên, thần kinh cảm giác hoặc viêm cơ tim. Trường hợp bạch hầu thanh quản nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ dẫn đến tỷ lệ tử vong.

Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, dẫn đến tê liệt hoàn toàn. Bệnh hoàn toàn có thể diễn tiến trầm trọng khiến người bệnh tử vong trong vòng 6-10 ngày.

Với nguyên nhân và các triệu chứng của bệnh bạch hầu, ở trường học cần tăng cường các biện pháp, chủ động phòng chống bệnh bạch hầu và tuyên truyền với phụ huynh học sinh cần thực hiện tốt các biện pháp như sau:

- Tuyên truyền với phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Combe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td đầy đủ, đúng lịch.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

- Phun khử trùng lớp học, khu dân cư nơi nghi ngờ có người nhiễm bệnh và nhiễm bệnh.

Ds.Trần Văn Chí - TTYT Phú Tân

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang