Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Sức khỏe tâm thần ở thời kỳ hậu COVID-19

03:09 06/10/2022

Sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã gây ra không ít trở ngại và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tâm thần của nhiều người. Vì vậy sự quan tâm đến sức tâm thần không kém gì chăm sóc sức khỏe thể chất. Theo Tổ chức Y tế thế giới(WHO), sức khỏe tâm thần không chỉ là mắc các rồi loạn về tâm thần, mà là tình trạng sức khỏe mà mỗi cá nhân nhận thức rõ về khả năng của mình, có thể đối phó bình thường trong cuộc sống, làm việc hiệu quả, thành công và có thể đóng góp cho xã hội.

Như vậy, nếu sức khỏe tâm thần không ổn định, ta sẽ có nguy cơ mắc phải phải một số bệnh rối loạn tâm lý và gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Các rối loạn tâm thần hậu COVID-19 thường thấy là rối loạn stress sau sang chấn và rối loạn thích ứng.  Rối loạn stress sau sang chấn là rối loạn xảy ra với những người mắc COVID-19 mức độ nặng, những người có người thân trong gia đình bị tử vong do COVID-19 hay chứng kiến người bệnh tử vong. Biểu hiện là người bệnh thường hồi tưởng, thậm chí có thể cảm thấy và hành động như thể chấn thương đang tái diễn. Người bệnh bị rối loạn stress sau sang chấn thường tìm kiếm và sưu tập  các sự kiện, bài báo, video liên quan đến COVID-19. Có trường hợp người bệnh giảm khả năng ghi nhớ và cảm giác bị bỏ rơi. Đôi khi tăng kích thích bao gồm mất ngủ, khó chịu, tăng cảnh giác, giật mình và luôn than phiền khó tập trung chú ý. Các rối loạn stress này nếu các triệu chứng kéo dài trên 3 tháng thì gọi là mạn tính. Còn rối loạn thích ứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và các triệu chứng của nó rất khác nhau. Các biểu hiện bao gồm thiếu tập trung, uống rượu quá mức, rối loạn thần kinh thực vật. Người bệnh luôn có vẻ mặt ngơ ngác, đau khổ, họ mất hết các sở thích vốn có; luôn biểu hiện bi quan, chán nản, mất hết hy vọng vào tương lai; luôn than phiền khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc và dậy rất sớm. Buổi sáng, người bệnh hay than phiền mệt mỏi, mất năng lượng nên không muốn làm gì; mất cảm giác ngon miệng và sút cân. Ngoài ra, người bệnh cũng dễ nổi cáu, hay buồn vô cớ, lo lắng quá mức và có thể có ý định và hành vi tự sát. Các triệu chứng này thường bền vững trong nhiều tuần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động, sinh hoạt của người bệnh, khiến chất lượng cuộc sống của họ bị ảnh hưởng.

Để chăm sóc sức khỏe tâm thầm sau COVID-19 cần tăng cường vận động hoặc tập thể dục- thể thao mỗi ngày để giúp giải tỏa căng thẳng và lo âu. Vận động nhiều sẽ giúp tiết ra hormone giúp giảm đau và giúp tâm trạng cảm thấy vui vẽ; cần quan tân đến cảm xúc bản thân, không né tránh mà xoa dịu, chấp nhận để nó lướt qua; ngũ đủ giấc và uống đủ nước trong ngày; hạn chế đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga, đồ ăn nhiều dầu mỡ, vì chúng sẽ là cho tâm trạng tồi tệ hơn; hạn chế sử dụng bia, rượu và các chất kích thích. Để giúp cơ thể giải tỏa căng thẳng, tăng sự tập trung, giảm đau xương khớp, tăng lưu thông có thể luyện tập yoga hoặc ngồi thiền. Chia sẻ cảm xúc, giao lưu với người thân, bạn bè, đồng nghiệp để cùng tham gia các trò chơi, thư giản. Trong trường hợp bệnh kéo dài hoặc có xu hướng tăng thêm, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị./.

                                                                                                Nguyễn Minh Thời

                                                                                                  TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang